DMagazine

Ngân hàng "thừa tiền", không để chảy vào kinh tế là sự lãng phí phát triển

(Dân trí) - Sau nhiều tháng đặt ra chất vấn, đại biểu Trịnh Xuân An băn khoăn khi tình trạng ngân hàng thừa tiền cho vay trong khi doanh nghiệp không tiếp cận được vì cạn "room" vẫn chưa được cải thiện.

Tại hội nghị gặp Thủ tướng với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" diễn ra ngày 11/8, nhiều doanh nghiệp than khó vay vốn để sản xuất kinh doanh vì ngân hàng không cấp khoản vay mới.

Đau đầu vì không vay được do cạn "room" không chỉ là câu chuyện riêng của doanh nghiệp bất động sản, mà còn rất nhiều lĩnh vực khác. Vấn đề này cũng đã từng được đại biểu đưa ra chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đã thẳng thắn chất vấn về tính hợp lý của cơ chế cấp hạn mức tín dụng hằng năm cho các ngân hàng thương mại. Theo ông An, nhiều phản ánh về cạn "room" tín dụng, cả ngân hàng cả lớn và nhỏ đều đề xuất với NHNN là cần nới thêm hạn mức để góp phần hỗ trợ tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh cả nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19.

Ngân hàng thừa tiền, không để chảy vào kinh tế là sự lãng phí phát triển - 1

Cái gì tốt cho người dân, doanh nghiệp là phải tạo điều kiện tối đa

Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, ông Trịnh Xuân An băn khoăn về tình trạng ngân hàng thừa tiền cho vay trong khi doanh nghiệp không tiếp cận được vì cạn "room" vẫn chưa được cải thiện, điều này gây nhiều lo ngại.

Từng chất vấn và dùng quyền tranh luận, đại biểu chỉ ra cơ chế cấp hạn mức tín dụng còn dáng dấp của quản lý bao cấp, không phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi mà năm nào cũng phải cấp lại, khi cần thiết các ngân hàng lại phải đi xin để nới room. Gắn bất cập đó với tình hình hiện nay, nhu cầu vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp khá cao mà không vay được, ông đánh giá như thế nào?

- Hệ thống ngân hàng có cái khó của họ, tuy nhiên, xét về lợi ích tổng thể của cả nền kinh tế, chúng ta phải rà soát, đánh giá được cái khó đấy có đáng để mình chọn cách an toàn, siết chặt hay không.

Trong quản lý điều hành, Nhà nước phải chấp nhận cái khó, tập trung cao khả năng quản trị của mình, giành thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Việc điều hành với cơ chế room đã hơn 10 năm nay rồi. Tuy nhiên, vì sao vừa qua các đại biểu Quốc hội lại rất quan tâm vấn đề này. Bởi thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, đòi hỏi sự thay đổi trong cơ chế điều hành hạn mức.

Cơ quan quản lý Nhà nước có công cụ để thực thi quyền và trách nhiệm của mình. Nhưng dù có dùng công cụ nào đi nữa thì cũng phải theo quy luật thị trường.

Về nguyên tắc, trong quản lý điều hành, Nhà nước phải chấp nhận cái khó, tập trung cao khả năng quản trị của mình, giành thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Cái gì tốt cho người dân, doanh nghiệp thì cần phải tạo điều kiện tối đa.

Thứ hai, điều hành phải bám sát vào thực tế. Cần rà soát đánh giá xem nhu cầu thị trường về nguồn vốn sau dịch có lớn không.

Chúng ta trải qua 2 năm Covid-19 trì trệ, xác định giai đoạn 2022-2023 là 2 năm phục hồi tăng trưởng. Doanh nghiệp đang trong đà phục hồi, phát triển mạnh hơn sau thời kỳ khó khăn. Tín hiệu thị trường cho thấy điều đó, nhu cầu vốn rất lớn là tất yếu.

Tất nhiên, các doanh nghiệp khỏe có vốn tự có hoặc huy động được bằng cách kênh trái phiếu là rất tốt. Nhưng tín dụng là nguồn vốn rất quan trọng, phổ biến, là mạch máu, năng lượng của nền kinh tế, vai trò rất quan trọng. Do vậy, điều hành phải hướng tới mục tiêu giải quyết nhu cầu thực tế, đáp ứng được thị trường, khơi thông nền kinh tế.

Ngân hàng thừa tiền, không để chảy vào kinh tế là sự lãng phí phát triển - 2
Ngân hàng thừa tiền, không để chảy vào kinh tế là sự lãng phí phát triển - 3

Nên sớm nới room, bơm tiền cho nền kinh tế

Nhiều ngân hàng cả lớn và nhỏ đều đề xuất với Ngân hàng Nhà nước là nới thêm hạn mức tín dụng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Khi chưa bàn được việc xóa bỏ điều hành hạn mức tín dụng theo hành chính thì có nên nới ngay lập tức không, thưa ông?

- Tiến tới xóa bỏ điều hành hạn mức tín dụng theo hành chính yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi phát biểu kết thúc phần chất vấn Thống đốc NHNN tại kỳ họp tháng 6 vừa qua.

Lộ trình bao giờ chúng ta bỏ được việc này để quản lý theo rủi ro và theo năng lực của tổ chức tín dụng là vấn đề được Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Nhiều doanh nghiệp "đau đầu" vì chuẩn bị xuất hàng đi thì giải ngân cho vay dừng lại. Vòng đời sản phẩm, guồng quay sản xuất kinh doanh thì phải theo đối tác, thị trường, không thể dừng lại để chờ "nới room" thế này được.

Khi chưa bỏ được thì tôi cho rằng cần phải nới room ngay lập tức. Việc này cần làm ngay và phải công khai minh bạch, rõ ràng. Tôi nghĩ sau nhiều tháng, vấn đề tín dụng sẽ "dễ thở" hơn. Nhưng đến thời điểm này vẫn thấy báo chí phản ánh việc các ngân hàng cạn room, doanh nghiệp than khổ.

Phản ánh với tôi, nhiều doanh nghiệp "đau đầu" vì chuẩn bị xuất hàng đi thì giải ngân cho vay dừng lại do hết room. Vòng đời sản phẩm, guồng quay sản xuất kinh doanh thì phải theo đối tác, thị trường, không thể dừng lại để chờ nới room thế này được.

Hơn lúc nào hết, NHNN phải lắng nghe các ngân hàng, doanh nghiệp, xem vấn đề này như thế nào, không thể duy trì cơ chế quá an toàn, cứng nhắc. Nghị quyết 43 của Quốc hội cũng yêu cầu ngành ngân hàng triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Có những lúc phải nhận khó về bản thân để nền kinh tế được phát triển. Hướng tới sự thuận lợi cho người dân, đồng cam cộng khổ với người dân, doanh nghiệp.

Mỗi bên đều có cái lý của mình, nhưng làm thế nào cho đúng thì phải gắn với thực tiễn. Thực tiễn đòi hỏi, nhu cầu có, tiền có, chỉ còn ở vấn đề quản lý. Tất nhiên nếu có vấn đề gì xảy ra, gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng thì rất nguy hiểm, nhưng trong bối cảnh này thì cần xem cơ sở để nới room. Nhất là với những ngân hàng có quản trị tốt. Chúng ta không thể làm rào cản chung cho hệ thống, đánh đồng cả ngân hàng quản trị tốt lẫn xấu được.

Một ngân hàng kêu hết room thì bình thường nhưng đồng loạt ngân hàng, từ lớn đến nhỏ đều kêu hết thì có vấn đề. Một vài doanh nghiệp kêu thiếu vốn, dừng giải ngân vì cạn room thì bình thường nhưng đồng loạt "kêu" thì có vấn đề.

Trả lời việc doanh nghiệp sản xuất kêu không vay được vì ngân hàng cạn room tại hội nghị doanh nghiệp gặp gỡ với Thủ tướng vừa diễn ra, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói bà cảm nhận được áp lực từ nhiều phía mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Tuy nhiên bà nhắc lại quan điểm điều hành chính sách tiền tệ, là đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Vì thế, tăng trưởng tín dụng cũng được điều hành dựa trên mục tiêu chung này. Ông nghĩ sao về những áp lực cần cân đối của ngành ngân hàng?

- Phải nhấn mạnh nhu cầu về vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp là rất cần và cần nguồn vốn lớn. Nền kinh tế giai đoạn phục hồi giống như cơ thể sau ốm, cần thêm thuốc bổ.

Vậy vì sao phải co lại vì sợ rủi ro. Việc này cần được đánh giá lại, cần cân nhắc đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng nhưng cũng cần cân đối với sự phát triển kinh tế.

Lạm phát 7 tháng năm nay tăng 2,54%. Nhiều chuyên gia vẫn dự báo cả năm nay lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức 4% như chỉ tiêu đặt ra. So với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang kiểm soát lạm phát tốt.

Vậy nguy cơ về lạm phát không phải là lý do quá lớn để chúng ta hạn chế tín dụng được. Chưa kể, lạm phát có nhiều nguyên nhân, thời điểm hiện nay tôi cho rằng không phải vì vấn đề cung tiền, nên việc hạn chế tín dụng có thể sẽ chưa hợp lý.

Thêm nữa, phải đánh giá được sức khỏe nền kinh tế để xem có sợ nợ xấu tăng không khi bung tiền ra, điều này ngân hàng có thể đánh giá được. Rủi ro về nợ xấu hiện nay khác rất xa thời điểm 2008-2009. Chúng ta không thể lấy nỗi sợ của 10 năm trước để lo lắng thái quá cho hiện tại. Không thể áp dụng nguy cơ của "năm xưa" để lo lắng cho thời điểm hiện nay, cần phải có những đánh giá khách quan, sát với thực tiễn.

Một lượng tiền rất lớn đang chờ giải ngân là 40.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 43. Tuy nhiên tiếp cận rất khó. Có thể thấy, vay ưu đãi hay vay thông thường bây giờ đều khó.

Trả lời chất vấn của tôi, Thống đốc NHNN cho biết, trong thời gian không có kiểm soát về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng này thì các ngân hàng, các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng rất cao, có nhiều năm tăng trưởng tín dụng trên 30%/năm, cá biệt có những năm tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống lên đến 53,8%. Như vậy sẽ tạo ra cuộc đua lãi suất để huy động được nguồn tiền để cho vay. Nhưng thử đặt lại vấn đề trong bối cảnh hiện nay, nếu thả nổi thì các ngân hàng có dám hay muốn chạy đua lãi suất không?

Tôi nghĩ là không và nên có đánh giá cụ thể về vấn đề này, bởi mỗi giai đoạn là khác nhau. Các ngân hàng hiện nay cũng có "ông" khỏe, "ông" yếu nhưng cơ bản đã được quản trị theo hướng công khai, minh bạch, hiện đại, chuẩn mực thế giới theo Basel II, III. Họ không thể phá vỡ thương hiệu, giá trị gây dựng để mở ra cuộc đua lãi suất để gây hậu quả phức tạp.

Không thể áp dụng nguy cơ của "năm xưa" để lo lắng cho thời điểm hiện nay, cần phải có những đánh giá khách quan, sát với thực tiễn.

Vậy những lý do quan trọng nhất cho việc quản lý room tín tụng là lạm phát, nợ xấu hay chạy đua lãi suất… cả 3 đều chưa đến mức quá lo lắng. NHNN cũng ra rất nhiều thông tư hướng dẫn, việc đảm bảo an toàn, chống rủi ro NHNN đang làm rất tốt. Vậy thì có nên theo hơi hướng bao cấp nữa hay không?

Nếu đúng và phù hợp thì áp dụng công cụ "room" cũng phải có tiêu chí, rõ ràng, công khai minh bạch. Đã cho thì phải có xin, phải có hồ sơ, có cơ sở. Do vậy, minh bạch là cần thiết.

Đến kỳ họp cuối năm, thực hiện giám sát, các đại biểu hoàn toàn có thể chất vấn lại. Tôi là người chất vấn, tôi sẽ theo sát vấn đề này, bởi nó liên quan đến cả nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh này.

Ngân hàng thừa tiền, không để chảy vào kinh tế là sự lãng phí phát triển - 4
Ngân hàng thừa tiền, không để chảy vào kinh tế là sự lãng phí phát triển - 5

Không để tiền chảy vào nền kinh tế là một sự lãng phí phát triển

Một số chuyên gia cho rằng việc NHNN lo lạm phát, siết cung tiền để trị lạm phát lúc này chưa hợp lý. Bởi lạm phát hiện nay chủ yếu ở Việt Nam không phải do thừa cung tiền mà do nhập khẩu lạm phát. Chữa bệnh không đúng sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi đồng tình quan điểm của một vị chuyên gia kinh tế khi cho rằng "đừng sợ lạm phát thái quá". Nếu chỉ tập trung kìm chế, giữ lạm phát ở mức thấp nhưng sức khỏe doanh nghiệp yếu thì có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Chúng ta đừng biến lạm phát thành "con ngáo ộp". Nó chỉ thực sự đáng lo khi chúng ta không kiểm soát được và để nó vọt lên quá cao. Nhưng hiện nay kiểm soát lạm phát được khẳng định là đang tốt, có thể trong mục tiêu 4% đặt ra. Hơn nữa, lạm phát của Việt Nam không phải do nội tại nền kinh tế. Nó ảnh hưởng bởi tình hình, giá cả thế giới. "Trị" bệnh cần đúng thuốc.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cần tiền để duy trì, phát triển thì không có. Giải pháp bây giờ là ngân hàng có hồ sơ tốt, quản trị tốt thì phải cho vay ngay, tăng thêm room. Khả năng lượng hóa được bao nhiêu, mỗi ngân hàng thêm được phần nào để xử lý những hồ sơ cấp bách.

Quý III mà không bơm được tiền ra là ảnh hưởng đến cả năm, mà 1 đồng vốn tín dụng ảnh hưởng đến chục đồng của nền kinh tế.

Có ý kiến cho rằng, với nhiều phản ánh từ báo chí, doanh nghiệp, người dân, việc cứ giữ quan điểm về room tín dụng như hiện nay của NHNN có phần "vô cảm" trước tình trạng đói vốn. Trong khi đó, bản thân các ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn bởi có tiền mà không được cho vay?

- Thực tiễn sẽ trả lời câu hỏi này. Nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Không nới được room, không để tiền chảy vào nền kinh tế là một sự lãng phí về nguồn lực, lãng phí sự phát triển. Mỗi bên có cái lý của mình, nhưng hãy lắng nghe thực tiễn.

NHNN có thành công rất lớn trong việc điều hành tỷ giá. Hiện chúng ta đang nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng nhưng tiền không bơm ra, sẽ lỡ mất cơ hội.

Không nới được room, không để tiền chảy vào nền kinh tế là một sự lãng phí về nguồn lực. Lãng phí sự phát triển. Mỗi bên có cái lý của mình, nhưng hãy lắng nghe thực tiễn. Không thể điều hành dựa trên những nỗi sợ không rõ ràng.

Ngân hàng thừa tiền, không để chảy vào kinh tế là sự lãng phí phát triển - 6
Ngân hàng thừa tiền, không để chảy vào kinh tế là sự lãng phí phát triển - 7

Siết bất động sản, cần xem lại tín hiệu, nhu cầu thị trường

Ngoài doanh nghiệp kinh doanh sản xuất thông thường, cả nửa năm nay doanh nghiệp bất động sản đều than vãn việc không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng về vấn đề này, họ cho rằng không nên "kỳ thị" ngành bất động sản bởi ngành này có những đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, tác động đến nhiều ngành khác. Chưa kể, việc nguồn cung nhà ở hiện nay vô cùng hạn chế, việc siết quá mạnh tín dụng bất động sản sẽ đẩy giá nhà lên cao hơn nữa, người dân càng khó có cơ hội tiếp cận nhà. Trong khi đó, NHNN thì một mặt khẳng định "không siết", song thực tế doanh nghiệp lại phản ánh không thể tiếp cận được. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Bất động sản, trái phiếu không phải rủi ro hết, dù khẳng định không siết nhưng trên thực tế vẫn siết.

Quan trọng ở đây vẫn là số liệu, xem tăng trưởng bất động sản thế nào, các dự án mới được cấp phép tăng hay giảm làm sao. Nhu cầu đáp ứng được đến đâu. Các ngân hàng phải căn cứ vào đó. Làm gì cũng theo thị trường, cho vay cũng phải căn cứ vào tín hiệu thị trường, không thể điều hành chung chung được.

Phân khúc nào đang có nhu cầu thì cần hướng tín dụng vào đó, giải tỏa những nút thắt của thị trường, phục vụ không chỉ nhu cầu của doanh nghiệp mà còn cơ hội tiếp cận nhà ở của người dân.

Phân khúc nào đang có nhu cầu thì cần hướng tín dụng vào đó, giải tỏa những nút thắt của thị trường, phục vụ không chỉ nhu cầu của doanh nghiệp mà còn cơ hội tiếp cận nhà ở của người dân.

Không thể cứ bất động sản là siết tất được. Mọi thứ đánh giá phải có số liệu, dựa trên số liệu để bơm nguồn tiền vào thị trường một cách hợp lý. Hiện nay bất động sản nhà ở đang khan hiếm, số liệu từ cơ quan quản lý Nhà nước về bất động sản là Bộ Xây dựng cho thấy điều đó.

Thực tế người dân cũng rất khó tiếp cận về nhà ở. Vấn đề này cần được xem xét, đánh giá kỹ. Không nên "đánh đồng" bất động sản nào cũng là rủi ro. Như vậy dễ ảnh hưởng đến một ngành, lĩnh vực quan trọng như bất động sản. Chưa kể việc dừng giải ngân ở các dự án bất động sản dang dở còn gây nhiều hệ lụy về lãng phí nguồn lực xã hội, nhếch nhác bộ mặt đô thị…

Nhấn mạnh lại, câu chuyện này nói chung phải tính toán, rà soát lại kỹ. Đó là nghiệp vụ của ngân hàng, điều quan trọng nhất là tiền cho vay đúng nơi, đúng chỗ, hiệu quả, thu lại vốn, lại lời là được.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nội dung: Nguyễn Khánh

Ảnh: Tiến Tuấn, Mạnh Quân, Hà Phong