Ngân hàng thông minh cần làm gì trong cuộc đua chuyển đổi số?

Nguyễn Hiền

(Dân trí) - Ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng Giám đốc VPBank, cho biết, ngân hàng thông minh cần phải đi trước đón đầu nhu cầu của khách hàng, gợi mở cho khách hàng về dịch vụ họ sẽ cần trong tương lai...

Hội thảo về ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 diễn ra ngày 18/11, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021 do Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành tổ chức 

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực.

Thời gian tới, NHNN sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi nhận thức, chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với dữ liệu ngành, lĩnh vực khác; phát triển các mô hình ngân hàng số, ứng dụng công nghệ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để cung ứng sản phẩm, dịch vụ an toàn tiện lợi với chi phí thấp; đảm bảo an toàn, an ninh mạng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Ngân hàng thông minh cần làm gì trong cuộc đua chuyển đổi số? - 1

Cuộc chạy đua chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại các ngân hàng Việt (Ảnh minh họa).

Theo đánh giá của bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, người tiêu dùng Việt Nam đã có xu hướng ưa thích thanh toán không tiền mặt. 78% sẽ tiếp tục sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số kể cả khi đại dịch kết thúc; xu hướng chuyển sang không dùng tiền mặt nhờ sử dụng thẻ không tiếp xúc đạt 65% và ví điện tử đạt 70%. Các cơ quan chính phủ là những bên thúc đẩy hình thức thanh toán kỹ thuật số đã thấy hiệu suất tăng lên.

Ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của VPBank, cho biết, ngân hàng thông minh cần phải đi trước đón đầu nhu cầu của khách hàng, gợi mở cho khách hàng về dịch vụ họ sẽ cần trong tương lai; tăng cường khả năng sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) trong phân tích hành vi khách hàng để dự báo chi tiêu cần thiết; cần có suy nghĩ và có cách tiếp cận khác trong hoạt động cho vay, thẩm định tài sản đảm bảo…; kết nối với hệ sinh thái mở phục vụ đời sống cho khách hàng.

Bên cạnh đó, ngân hàng thông minh không phải đi trước cuộc sống mà phải chủ động kết nối với đối tác để phục vụ nhanh hơn, hiệu quả hơn. Để làm được những điều này, yếu tố công nghệ sẽ hỗ trợ rất lớn.

Còn theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, ngành ngân hàng đã có giải pháp eKYC để mở tài khoản nhưng để cấp chữ ký số vẫn yêu cầu phải gặp mặt trực tiếp, nghĩa là quy trình chuyển đổi số chưa được thực hiện 100%. Nếu không làm việc cấp chữ ký số trực tuyến hoàn toàn thì các giai đoạn sau sẽ đều bị gián đoạn. Vì vậy, ngành ngân hàng cần sớm có cơ chế cho phép cấp chữ ký số trực tuyến, bởi nền tảng công nghệ tại Việt Nam hiện nay có thể làm được việc này từ công nghệ sinh trắc học đến dữ liệu dân cư quốc gia được tích hợp trên thẻ căn cước công dân…

Theo bà Trần Diễm Chi, đại diện Backbase tại Việt Nam, sự nổi lên của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Amazon, Microsoft, Apple và các ngân hàng kỹ thuật số trực tuyến trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã mang đến những trải nghiệm hấp dẫn và phù hợp với ngữ cảnh mọi lúc mọi nơi. Khách hàng muốn được cung cấp dịch vụ theo cách mà họ muốn mọi lúc, mọi nơi, mọi thiết bị theo điều kiện của khách hàng. Do đó, ngành ngân hàng phải đi đúng hướng, áp dụng mô hình nền tảng tương tác.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cũng cho rằng, dịch vụ ngân hàng tương tác đặt khách hàng làm trung tâm đã thay đổi tư duy của ngân hàng trong các hoạt động truyền thống. Việc lấy khách hàng làm trung tâm rất quan trọng khi các ngân hàng bước vào cuộc đua đầu tư cho công nghệ và nhân lực để phát triển hệ sinh thái tiện ích số nhằm đón đầu những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng.

Tuy nhiên, đó chỉ là bước đầu, để thành công cần có hành lang pháp lý đầy đủ, sửa đổi kịp thời, các tổ chức tín dụng cùng quyết tâm, dành nguồn lực để chuyển đổi số nhanh, hiệu quả.