Ngân hàng siết nợ, dân nghèo tìm Thống đốc

(Dân trí) - Chia sẻ về nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã kể lại câu chuyện về một cụ già bị thu hồi nhà do con trai làm ăn thất bát, lấy sổ đỏ để vay ngân hàng.<br><a href='http://dantri.com.vn/kinh-doanh/thong-doc-chi-hinh-su-hoa-khi-khong-khac-phuc-duoc-sai-pham-949537.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Thống đốc: Chỉ hình sự hóa khi không khắc phục được sai phạm</b></a>

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Lại hoãn xử vụ tranh chấp căn hộ Keangnam
* Ngân hàng siết nợ, dân nghèo tìm Thống đốc
* Dân 'quây' chủ đầu tư, nhà thầu đòi trả… mộ
* Triệu phú đô la làm nhà lầu di động

* Cần phân tích vì sao ILO đánh giá năng suất lao động của VN rất thấp

* Sàn vàng chui vẫn thách thức

Nợ xấu gia tăng và câu chuyện cụ già bị đẩy ra đường

Chia sẻ với các đại biểu tại phiên chất vấn chiều 29/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình kể: “Tôi từng nhận được một đề nghị gặp gỡ từ một cụ già. Do lời đề nghị quá tha thiết nên tôi trân trọng và muốn biết có vấn đề gì. Cụ già trình bày con trai của cụ lấy sổ đỏ của cụ để thế chấp ngân hàng vay vốn, nay thất bát kinh doanh đã bỏ trốn. Ngân hàng đến siết nợ chính ngôi nhà mà ông và các cháu đang ở, nay cần Thống đốc giúp đỡ.

Nhưng Thống đốc không thể giúp được cụ già vì quyết định của tòa án mọi công dân phải chấp hành. Tôi đã ghi nhận lại đề nghị và chuyển cho chính quyền địa phương xem xét có chính sách hỗ trợ cũng như kêu gọi các ngân hàng xã hội giúp đỡ xây dựng nhà tạm cho cụ già lấy chỗ trú chân”...

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.

Câu chuyện của Thống đốc cũng đã phản ánh phần nào về tình trạng nợ xấu và hệ lụy mà nó gây ra.

Chất vấn Thống đốc, đại biểu Đại biểu Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi: còn 47% nợ xấu chưa giải quyết được, điều này sẽ đặt ra vấn đề gì để nâng cao quản trị và chất lượng của hệ thống ngân hàng?

Đề cập tới thu hồi nợ, đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng việc thu hồi nợ, phát mãi tài sản để thu hồi xử lý nợ xấu khó khăn, trong đó đặc biệt xử lý để bán các tài sản thế chấp, đặc biệt tài sản nhà ở và quyền sử dụng đất. Nhưng trong thực tế có những doanh nghiệp từng hoạt động tốt, đóng góp cho ngân sách, nay sa cơ lỡ vận không có chỗ ở.

“Có phải ta bắt bệnh chưa chuẩn, kê thuốc chưa đúng, hoặc do cả hai do nợ xấu vẫn như cục máu đông, có giải quyết được không và khi nào? Thông tư 02 (được chuyên gia dự báo nếu áp dụng sẽ như trị liệu mạnh về nợ xấu ngân hàng) nhưng bị hoãn áp dụng. Có phải ta chưa đánh giá đúng thực trạng nợ xấu? Cơ sở nào Ngân hàng Nhà nước đưa ra và rút về thông tư 02?”, đại biểu Phùng Văn Hùng băn khoăn.

Tăng vốn và luật riêng cho VAMC

Báo cáo trước Thường vụ Quốc hội trong phiên chất vấn chiều 29/9, Thống đốc cho biết, Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), sau hơn một năm hoạt động, ngoài việc xây dựng cơ chế chính sách, cơ chế, con người…, đến nay đã mua được khoảng 86.000 tỷ đồng nợ xấu. Theo kế hoạch, VAMC sẽ mua khoảng 70 nghìn tỷ đồng trong năm nay, cộng thêm 78 nghìn tỷ đồng trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng thì nợ xấu được xử lý thêm đáng kể trong năm nay.

Theo đánh giá của Thống đốc, việc mua nợ của VAMC hiện nay là “một cố gắng lớn” trong bối cảnh xử lý nợ xấu thời gian qua chưa được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Ngay từ đầu VAMC có chủ trương không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu, nên đây là điểm khác biệt cơ bản giữa Việt Nam với nước ngoài.

Do không có nguồn tiền thực nên chúng ta không thể mua đứt bán đoạn các khoản nợ xấu phát sinh trong nền kinh tế. Do vậy, theo Thống đốc, chúng ta phải tìm ra một cơ chế để làm sao tạo được điều kiện không những cho các tổ chức tín dụng mà còn cho cả các khách hàng vay vốn ngân hàng có khả năng vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.

“Thế giới thường dùng tiền để xử lý nợ xấu và họ dành một khoản tương đương 20-30% GDP, cá biệt có nước sử dụng tới 60 - 70% GDP, nước tỷ lệ nợ xấu thấp thì cũng dùng tới 7-10% GDP. Còn ở Việt Nam chúng ta chưa dùng đồng nào”, Thống đốc nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong 3 năm qua hệ thống ngân hàng đã xử lý được 249.000 tỷ đồng nợ xấu, giảm đáng kể so với con số 464.000 tỷ đồng vào tháng 9/2012, khi bắt đầu triển khai đề án xử lý nợ xấu.

Cũng theo Thống đốc, trước đây các ngân hàng có xu hướng che giấu nợ xấu để làm đẹp sổ sách, báo cáo, từ đó chia cổ tức cao. 3 năm qua Ngân hàng Nhà nước đã làm chặt và xử lý nghiêm những trường hợp nợ xấu cao mà vẫn chia cổ tức, chia lợi nhuận. Nhiều ngân hàng đã ngừng chia cổ tức, dùng tiền thặng dư để xử lý nợ xấu.

“Tính từ đầu năm, tháng 7 có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 0,79% so với tháng trước) cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện”.

Trả lời băn khoăn của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) về năng lực của VAMC hay vướng mắc về pháp lý trong mua bán nợ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, các tổ chức quốc tế cho rằng, trong bối cảnh khó khăn mô hình hoạt động VAMC là chấp nhận được.

Vậy có cần một luật mới, luật riêng về VAMC hay không? Ông Bình cho hay: Theo kinh nghiệm quốc tế, tất cả các nước có VAMC đều có bộ luật riêng về VAMC để có thể xử lý nợ xấu một cách nhanh nhất, thông thoáng nhất, từ đó đạt được hiệu quả cả nhất cho phát triển kinh tế. “Do thời gian cấp bách nên chưa thể đưa ra Luật ngay, nhưng trong giải pháp xử lý nợ xấu chúng ta phải có cả bước đi ngắn hạn và dài hạn. Chúng tôi cũng đã liệt kê những vướng mắc trong vấn đề xử lý nợ xấu để báo cáo Chính phủ tháo gỡ và trao đổi, bàn bạc với Quốc hội trong thời gian tới”, Thống đốc cho biết.

Do đó, Thống đốc đồng tình với quan điểm của một số đại biểu Quốc hội về việc nếu không có tiền từ ngân sách thì phải có cơ chế và trao thêm công cụ cho VAMC. Mặt khác, sẽ phải tăng năng lực tài chính bằng cách tăng vốn điều lệ của VAMC từ 500 tỷ đồng hiện nay lên 2.000 tỷ đồng.

“Chúng tôi cũng đề xuất với Chính phủ để nâng cao thêm năng lực tài chính cho VAMC, mức vốn điều lệ 500 tỷ đồng hiện nay so với mức 86.000 tỷ đồng nợ xấu mà VAMC đã mua cho thấy năng lực tài chính của công ty này hết sức yếu kém. Với dự kiến tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, về cơ bản Chính phủ đã nhất trí nhưng 2.000 tỷ đồng so với con số dự kiến con số nợ xấu sẽ mua khoảng 200.000 tỷ đồng là con số hết sức nhỏ bé. Dù vậy, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu chúng tôi không dám đặt ra”, Thống đốc chia sẻ.

Để “bù đắp” thiếu hụt đó, VAMC sẽ có những cơ chế để sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ tốt hơn nữa để có thể xử lý nhanh hơn nợ xấu của nền kinh tế. “Đó là những ý tưởng của chúng tôi dựa theo kinh nghiệm quốc tế, căn cứ thẩm quyền của Chính phủ còn quyết định cuối cùng do Quốc hội. Dưới góc độ chuyên môn, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ ban ngành để đưa ra cơ chế phù hợp giúp thông thoáng hơn về quy định pháp lý và có thêm tài chính để VAMC hoạt động tốt hơn”, Thống đốc Bình nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”