1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngân hàng “phản pháo” đề xuất giảm lãi suất gói 30.000 tỷ đồng

Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội BĐS TP. HCM về việc giảm lãi cho vay gói 30.000 tỷ đồng xuống còn 3 - 3,5%/năm cùng gia tăng thời gian vay lên 20 năm, các NHTM đã lên tiếng về vấn đề này.

Giá nhà cao nên dù có được vay ưu đãi thì vẫn không nhiều người thu nhập thấp dám mua nhà
Giá nhà cao nên dù có được vay ưu đãi thì vẫn không nhiều người thu nhập thấp dám mua nhà
 
Đại diện Hiệp hội BĐS TP. HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ với báo chí, nguyên nhân quan trọng đưa đến kiến nghị này là từ khi Thông tư 11/2013/TT-NHNN về các chính sách giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này được đưa ra vào hồi tháng 6/2013, tại khoản 2, Điều 8 của Thông tư có quy định không phù hợp. Cụ thể, mức lãi suất tái cấp vốn từ NHNN cho các NHTM thấp hơn mức 1,5%/năm lãi suất mà các NHTM cho khách hàng vay.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Ông Châu có ví dụ về sự không phù hợp như sau: Nếu thời điểm năm 2013, khách hàng vay 100 triệu để mua nhà ở xã hội từ NHTM với lãi suất 6%/năm, số tiền lãi mỗi năm khách hàng phải trả là 6 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền 100 triệu đồng mà NHTM cho người dân vay, thực tế các NHTM chỉ phải vay từ NHNN với mức lãi suất 4,5%/năm, (tức 4,5 triệu/tháng), còn 1,5 triệu đồng các NHTM được tính vào chi phí quản lý của họ. Sang năm 2014, khi lãi suất của gói tín dụng này giảm, người tiêu dùng vay 100 triệu đồng, mức lãi suất là 5%/năm, họ phải trả 5 triệu/tháng thì cũng thời điểm đó, các ngân hàng chỉ phải trả lãi suất về cho NHNN 3,5 triệu đồng/tháng, còn 1,5 triệu đồng, các NHTM thu về.

“Nếu các NHTM cùng chia sẻ với thị trường, với người tiêu dùng thì họ chỉ cần nhận chi phí quản lý 0,5% bởi cùng bộ máy ấy, con người ấy, chi phí vận hành như vậy thì thị trường và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi rất lớn”, ông Châu bình luận.

Trước nhận định này của ông Châu, Giám đốc Khối Ngân hàng cá nhân một NHTM cho rằng, đề xuất của ông Châu không chỉ là giảm lãi suất, mà còn có hàm ý “các ngân hàng vẫn được hưởng lãi lớn từ gói 30.000 tỷ đồng và nên giảm đi”. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho biết, việc giảm chi phí quản lý là “không phù hợp” với hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

“Mức chênh huy động – cho vay tương đương với mức 0,5%/năm giá trị khoản vay là không đủ chi phí cho vay và bù đắp rủi ro cho NHTM. NHTM vẫn chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc xử lý, phê duyệt như khoản vay thông thường và chi phí nếu khoản vay phát sinh nợ xấu nên biên lợi nhuận 1,5% là mức tối thiểu để các NHTM có thể tham gia gói vốn”, vị giám đốc trên nói.

Là 1 trong các ngân hàng được tham gia cho vay gói vốn này, ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB chia sẻ, đây là chương trình hỗ trợ nhà ở cho người dân ổn định cuộc sống của Chính phủ. Theo đó, các NHTM nói chung và OCB nói riêng đã chung tay góp sức với Nhà nước để hỗ trợ khách hàng tiếp cận được nguồn vốn này và có được căn nhà mơ ước. Với mục tiêu như vậy nên với việc phân tích lãi suất như trên là chưa phù hợp. Ông Long cũng cho rằng mức hưởng chênh lệch 1,5%/năm không hề lớn. Ngay khi cho khách hàng vay, ngân hàng đã phải trích lập dự phòng chung 0,75%/số tiền cho vay, chưa kể đến chi phí phát sinh khi cho vay như: chi phí hoạt động, chi phí chăm sóc khách hàng (quản lý, nhắc nợ..)…

“Hầu như NHTM không có lợi nhuận khi cho vay theo chương trình hỗ trợ nhà của Chính phủ. Bên cạnh đó, mức lãi suất cho vay hiện nay theo NHNN công bố là ưu đãi so với thị trường lãi suất cho vay hiện nay, mức lãi suất này đã thấp hơn lãi suất huy động do NHNN công bố (kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa 5,5%/năm)”, ông Long nói,

Ngân hàng chỉ là một phần!

Trao đổi với ĐTCK, Giám đốc Khối Ngân hàng cá nhân trên cho biết thêm, thực tế khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay gói 30.000 tỷ đồng này cho thấy, lượng nhà để cho vay theo chương trình này vẫn chưa nhiều, thiếu sự cạnh tranh cần thiết của các chủ đầu tư khi bán nhà. Đồng thời, thủ tục cho vay rất cần làm rõ hơn các quy định về đối tượng để rõ ràng và thống nhất trong việc áp dụng, các yêu cầu về xác nhận (nhà ở, thu nhập, bảo hiểm xã hội…).

Còn theo ông Long, việc kéo dài thời hạn vay lên 20 năm sẽ góp phần giảm áp lực trả nợ cho người dân. Tuy nhiên, để khách hàng có thể tiếp cận được nguồn vốn của nhà nước thì thay vì giảm lãi suất, NHNN nên xem xét mở rộng đối tượng khách hàng, giảm thiểu thủ tục vay vốn…

Ngoài ra, có một chi tiết được nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết đang là rào cản, đó là giá nhà vẫn cao so với thu nhập của người dân. “Đây là rào cản lớn nhất chứ không phải lãi suất hay thủ tục”, Tổng giám đốc một NHTM nêu quan điểm. Theo ông, để vay 1 tỷ đồng mua nhà xã hội trong 20 năm thì dù lãi suất 0%/năm, mỗi năm người mua nhà cũng phải trả 50 triệu đồng tiền gốc.

“Không nhiều người trong diện được vay ưu đãi mua nhà xã hội hiện nay tích lũy được con số này, chưa kể nếu lãi suất 3-3,5%/năm thì con số còn cao hơn”, ông khẳng định.

“Chủ đầu tư khi không bán được nhà lại đổ tại lãi suất cao, rồi tại nọ, tại kia... và đề nghị các NHTM hạ lãi suất là không hợp lý”.

Theo Nhuệ Mẫn
Đầu tư Chứng khoán

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”