1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng ồ ạt chuyển trụ sở, mở chi nhánh

(Dân trí) - Đầu tháng 9 này, thị trường tiền tệ tấp nập hơn bởi hàng loạt NH chuyển trụ sở, mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch. Giới chuyên gia cho hay, đây là xu hướng tất yếu khi NHNN "tuýt còi" thành lập mới và cấp phép cho 2 NH ngoại 100% vốn đầu tiên.

Tính sơ qua từ ngày 1/9 đến nay, thị trường tiền tệ đã có khoảng 10 ngân hàng chuyển trụ sở và khai trương chi nhánh, phòng giao dịch mới.

Địa điểm được các ngân hàng này chọn làm nơi “an cư lạc nghiệp” là Thủ đô Hà Nội. Đây là trung tâm chính trị, kinh tế và tài chính của cả nước, là nơi đặt trụ sở chính của các ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam cũng như văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài.

Chỉ tính riêng trong ngày 9/9, tại Hà Nội đã có 3 ngân hàng cắt băng khai trương hội sở mới, chi nhánh, phòng giao dịch mới. Đó là Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) mở thêm 2 chi nhánh Đông Đô và Thăng Long; Ngân hàng Sài Gòn (SCB) mở văn phòng giao dịch Láng Hạ, Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) chuyển hội sở từ Cần Thơ ra Thủ đô.

Và ngày hôm qua 10/9, Ngân hàng Á Châu (ACB) khai trương thêm 3 đơn vị mới (2 đơn vị tại TPHCM và 1 đơn vị tại Tiền Giang).

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối tháng 9, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng sẽ có thêm vài chục chi nhánh, văn phòng giao dịch mới trên cả nước. Một chuyên gia tài chính nói vui: Với việc nở rộ mạng lưới chi nhánh ngân hàng, chắc chắn thời gian tới ở Việt Nam sẽ không chỉ ra ngõ gặp mà còn là ngân hàng “chồng” lên ngân hàng.

Tuy nhiên, đây là xu hướng tất yếu để các ngân hàng khẳng định vị thế và tranh thủ tìm kiếm thị phần của mình trên thị trường, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tạm thời ngừng cấp phép thành lập ngân hàng mới.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế bày tỏ: “Ngân hàng Nhà nước dừng cấp phép thành lập ngân hàng mới là đúng và đây là dịp để các ngân hàng hiện có tăng cường hoạt động, tăng cường tính chuyên môn, mở rộng các dịch vụ. Dịch vụ của các ngân hàng Việt Nam hiện nay quá nghèo nàn”.

Một số chuyên gia tài chính cũng cho rằng, với sự kiện 2 ngân hàng 100% vốn ngoại đầu tiên vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động tại Việt Nam, thị trường tiền tệ - ngân hàng dự báo sẽ có một cuộc cạnh tranh gay gắt trong thời gian tới.

Phía sau cuộc cạnh tranh đó sẽ là chất lượng sản phẩm, dịch vụ được nâng cao và người tiêu dùng sẽ được tiếp cận với nguồn vốn vay dễ dàng hơn.

An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm