Ngân hàng nội rước CEO ngoại

Hai năm 2010 – 2011 là giai đoạn nhiều ngân hàng thay đổi nhận diện thương hiệu, đầu tư công nghệ, nâng cấp dịch vụ, ráo riết kiếm tìm đối tác chiến lược. Họ đưa về dàn lãnh đạo người nước ngoài đầy kinh nghiệm như là cách để đuổi kịp những tên tuổi đầu ngành.

Nhân viên ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank – MSB) những ngày gần đây thấy một người Ấn Độ cần mẫn đến trụ sở của họ. Đa số chưa biết đó sẽ là tổng giám đốc mới của họ và hồ sơ bổ nhiệm ông đang nằm trên bàn ngân hàng Nhà nước chờ phê duyệt.

 

Trao quyền cho CEO ngoại

 

Ngân hàng nội rước CEO ngoại
Ông Lau Boon Tuan, tổng giám đốc Mekong Bank. 

 

Đại hội cổ đông 2012 của MSB vừa thông qua quyết định thay tổng giám đốc người nước ngoài. MSB cho biết, họ mong muốn sẽ kiện toàn hơn công tác quản trị, điều hành theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và xây dựng đội ngũ lãnh đạo mạnh mẽ, đủ khả năng dẫn dắt MSB. Trước đó, từ năm 2010 MSB đã tuyển dụng hàng loạt nhân viên người nước ngoài đảm nhận những chức vụ quan trọng. Tất cả thay đổi này nhắm đến mục tiêu vào năm 2013 MSB sẽ trở thành ngân hàng cạnh tranh tốt nhất, và dần tiến đến là một trong nhóm năm ngân hàng hàng đầu Việt Nam.

 

Với vốn điều lệ đang ở mức 8.000 tỉ đồng, MSB hướng đến ngân hàng bán lẻ với những khách hàng cao cấp. Theo MSB, tầng lớp trung lưu có thu nhập cao mới tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới, là cơ hội hấp dẫn nhất. Chính vì vậy, đối thủ cạnh tranh của MSB không chỉ là nhóm ngân hàng hàng đầu mà còn là những ngân hàng nước ngoài 100% vốn tại Việt Nam.

 

Trong hai năm qua, đã có gần mười ngân hàng thay đổi bộ nhận diện thương hiệu như SeABank, BaoVietBank, ANZ, OceanBank, VIB, VPBank… với nỗ lực thay đổi bản thân, nâng cao khả năng phục vụ. Một số ngân hàng vừa tìm được đối tác chiến lược đã có sự lựa chọn: trao quyền cho tổng giám đốc nước ngoài.

 

Từ đầu năm 2011, Mekong Bank (MDB), một ngân hàng quy mô vốn điều lệ 3.750 tỉ đồng, có trụ sở ở Tiền Giang, đã trao quyền điều hành cho ông Lau Boon Tuan, CEO người Singapore, là người từ đối tác chiến lược Fullerton Financial, thuộc tập đoàn Temasek, Singapore. Cùng giúp việc cho ông ở MDB còn có một số nhân viên ngoại.

 

Thách thức cho người mới

 

Qua một năm hoạt động, MDB đã tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng lên 3.750 tỉ đồng, hoàn tất hệ thống công nghệ IT nhằm tối đa hoá giá trị cho khách hàng. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 500 tỉ đồng, thực hiện 139% so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,08%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 55,87%, tỷ lệ chia lợi tức cổ phần là 10,5%.

 

Trong khi MDB khá hài lòng với kết quả trước mắt, thể hiện qua việc CEO Lau Boon Tuan được tái bổ nhiệm với nhiệm kỳ 2012 – 2017, thì CEO mới của MSB sẽ có chưa đến hai năm để hiện thực hoá mục tiêu của MSB. Đó là một áp lực và thách thức lớn, khi theo báo cáo thường niên 2010, lượng khách hàng của MSB còn ở con số 217.360, mạng lưới giao dịch chưa phủ kín toàn quốc.

 

Tương tự, ông Morris Simon, CEO Techcombank đã nhận việc từ tháng 12/2011, cũng sẽ đối mặt với bài toán vượt qua những đối thủ nặng ký để vươn lên vị trí hàng đầu.

 

Sự chuẩn bị và sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh sắp đến của những ngân hàng này là một thách thức không nhỏ cho những ngân hàng hiện đang ở vị thế hàng đầu, vốn cũng đang nỗ lực mang lại sự hài lòng cho khách hàng, tăng vốn để mạnh hơn. Hơn hết, việc các ngân hàng chấp nhận trao quyền cho một CEO ngoại như là một cách đạt đến hoạt động minh bạch hơn, cho thấy họ hiểu rằng chỉ sự thay đổi mới giúp họ có thể tồn tại và cạnh tranh.

 

Theo Hồng Sương

SGTT