Ngân hàng niêm yết "ôm" 22.100 tỷ đồng nợ xấu*
(Dân trí) - Tính đến cuối năm 2012, trong số 8 ngân hàng thương mại niêm yết trên thị trường chứng khoán - ngoại trừ Navibank, thì khối lượng nợ xấu của 7 "ông lớn" đã tương đương trên 1 tỷ USD - gấp đôi năm 2011.
Tại Bản tin kinh tế vĩ mô số 8 (quý I/2013) vừa được Ủy ban Kinh tế phát hành mới đây, cơ quan này đánh giá, "trạng thái của nợ xấu có liên quan trực tiếp và chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế, giống như hai mặt của một đồng tiền".
Và do vậy, khi "khối u" nợ xấu chưa được cắt bỏ thì vòng xoáy "tăng trưởng suy giảm - nợ xấu gia tăng" sẽ trở nên ngày một hiện hữu đối với nền kinh tế Việt Nam.
Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước về nợ xấu cho thấy, tính đến cuối tháng 2/2013, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng đã giảm từ hơn 8% của năm ngoái xuống còn 6%. Con số này theo tính toán của Dân trí tại thời điểm công bố rơi vào khoảng 156.000 tỷ đồng.
Nợ xấu đang là vấn đề "nóng" nhất trong năm 2012.
Trong bài viết này, Dân trí điểm qua tình hình nợ xấu tại một số ngân hàng niêm yết và trình tự sắp xếp dựa trên quy mô nợ xấu của các ngân hàng. Những ngân hàng không có tên, đến thời điểm hiện nay chưa thu thập được dữ liệu do chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2012 qua các kênh chính thức.
Vietcombank: 5.461,8 tỷ đồng
Dẫn đầu danh sách này là một trong những ngân hàng TMCP quốc doanh lớn nhất nước: TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - VCB). Quy mô nợ xấu của VCB đến thời điểm cuối năm 2012 lên tới 5.461,8 tỷ đồng, tăng 1,28 lần so với năm 2011.
Trong đó, nợ nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 2,32 lần, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 1,87 lần. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm chỉ bằng phân nửa năm 2011 song vẫn ở mức đáng lo ngại 1.311,79 tỷ đồng.
Dễ lý giải nguyên nhân VCB lại là ngân hàng có quy mô nợ xấu lớn nhất khi tổng dư nợ của ngân hàng này trong năm vừa qua lên tới 241.162,76 tỷ đồng, tăng 1,15 lần so năm 2011. Song cùng với tốc độ tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu của VCB cũng tăng 1,11 lần lên 2,26%.
VietinBank: 4.890 tỷ đồng
Một "ông lớn" trong nhóm Ngân hàng TMCP quốc doanh là Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG). Năm vừa rồi, quy mô nợ xấu của CTG đã tăng 2,22 lần lên gần 4.890 tỷ đồng, chiếm 1,47% tổng dư nợ.
Nợ nghi ngờ của CTG tăng mạnh nhất, gấp 8,12 lần so năm 2011 lên 1.789 tỷ đồng, trong khi nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 2,31 lần lên 2.106 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn có quy mô giảm nhẹ.
Với tốc độ tăng trưởng tín dụng gấp 1,14 lần so năm trước đó, giữa bối cảnh hàng loạt tổ chức tín dụng khác tăng trưởng âm thì CTG cũng đã phải đánh đổi với tỷ lệ nợ xấu tăng gần 2 lần so 2011.
SHB: 4.845,8 tỷ đồng
Năm 2012, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) gây "tiếng vang" lớn trên thị trường chứng khoán cũng như ngành tài chính ngân hàng với việc thực hiện sáp nhập thành công Ngân hàng Nhà Hà Nội (HBB), đánh dấu vụ sáp nhập đầu tiên giữa hai ngân hàng niêm yết trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, để có được HBB thì SHB cũng đã phải ngậm ngùi gánh theo cả khoản nợ xấu khổng lồ mà HBB "tích lũy" được. Tính đến cuối năm 2011, quy mô nợ xấu của HBB ở mức 988,7 tỷ đồng (chiếm 4,42% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng) - đó là chưa kể khoản nợ ứ đọng của Vinashin lên tới 2.751,47 tỷ đồng.
Do vậy, kết quả cuối năm 2012, SHB không tránh khỏi trở thành một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng chóng mặt nhất trong hệ thống và quy mô nợ xấu vào loại "khủng" ở Việt Nam. Nợ xấu đến cuối năm 2012 của SHB được ghi nhận mức 4.845,8 tỷ đồng, tăng 7,44 lần về quy mô so 2011.
Đáng lo ngại là nợ có nguy cơ mất vốn tăng 7,43 lần lên 2.067 tỷ đồng; trong khi nợ nghi ngờ tăng 11,19 lần và nợ dưới chuẩn tăng 4,81 lần. Điều này khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng tăng mạnh 3,8 lần lên mức 8,53% trong khi tổng dư nợ chỉ tăng chưa tới 2 lần.
ACB: 2.570,97 tỷ đồng
ACB là ngân hàng duy nhất trong danh sách được liệt kê tại bài viết này có tăng trưởng tín dụng âm so với 2011. Tổng tín dụng của ACB năm 2012 giảm nhẹ so với năm trước trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng 2,8 lần lên 2,5%.
Tổng nợ xấu của ACB trong năm vừa rồi ở mức 2.570,97 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so năm trước đó, với mức tăng mạnh nhất tại nhóm nợ có khả năng mất vốn.
Nợ có khả năng mất vốn tại ACB ở mức khá lo ngại với 1.150,4 tỷ đồng, tăng 3,87 lần so với năm 2011, trong khi đó, nợ dưới chuẩn cũng đã tăng mạnh 2,7 lần và nợ nghi ngờ tăng 1,95 lần.
Những kết quả không mấy khả quan này của ACB gắn với 1 năm không thuận lợi của ngân hàng khi xảy ra vụ việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt hôm 20/8, kéo theo một loạt rắc rối khác xảy ra khiến cả "bộ sậu" bao gồm Chủ tịch HĐQT, 2 thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc phải từ nhiệm và vướng vào vòng lao lý.
Nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tổng nợ xấu các ngân hàng niêm yết năm 2012
Nguồn: BCTC các ngân hàng/Dân trí.
Nguồn: BCTC các ngân hàng/Dân trí.
Sacombank: 1.973 tỷ đồng
Một trong những ngân hàng "ồn ào" nhất năm 2012 với những tranh cãi liên quan đến "thâu tóm" và sự ra đi của gia đình người sáng lập - TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) đã không khỏi gây bất ngờ khi kết thúc năm với tỷ lệ nợ xấu tăng gần 4 lần.
Cụ thể, trong khi tổng dư nợ tín dụng tăng nhẹ 1,2 lần so năm 2011 thì tổng nợ xấu của Sacombank cũng bật tăng chóng mặt gần 4,3 lần lên 1.973,1 tỷ đồng, chiếm 2,05% tổng dư nợ tín dụng.
Theo đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất, gấp 5,34 lần so năm trước lên 896,78 tỷ đồng, trong khi nợ dưới chuẩn tăng hơn 3 lần, nợ nghi ngờ tăng 3,95 lần.
MBBank: 1.371,6 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) trong năm vừa rồi tuy hoạt động tín dụng khá tốt với mức tăng trưởng gấp 1,27 lần so năm 2011 song tổng nợ xấu theo đó cũng tăng 1,46 lần.
Quy mô nợ xấu của MBB hiện đã lên mức 1.371,6 tỷ đồng với số nợ có khả năng mất vốn đã tăng 1,23 lần so năm 2011 lên 639,6 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất, gấp gần 4 lần năm trước và nợ nợ dưới chuẩn giảm nhẹ.
Từ đó khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng đã tăng 1,15 lần lên 1,86% trên tổng dư nợ trong năm 2012 vừa qua.
Eximbank: 987,62 tỷ đồng
Là ngân hàng duy nhất có nợ xấu giảm trong năm vừa qua, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) vẫn được đảm bảo ngang bằng năm 2011.
Theo đó, nợ xấu tại Eximbank đã giảm nhẹ xuống còn 987,62 tỷ đồng, chỉ bằng 82% năm 2011, từ đó giúp tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm xuống còn 1,32% so mức 1,61% của năm trước đó.
Tuy nhiên, nếu quan sát cơ cấu nợ của Eximbank thì lại thấy rằng, nợ xấu ngân hàng giảm chủ yếu do sự cải thiện chất lượng nợ ở nhóm 3 và nhóm 4. Cụ thể, nợ dưới chuẩn đã giảm 88%, nợ nghi ngờ giảm 59%. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn lại tăng 1,82 lần so 2011.
(*) Các thống kê trên chưa bao gồm thông tin của Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank - NVB) do chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2012. Tổng cộng, đến cuối năm 2012, các ngân hàng niêm yết đang "ôm" tới 22.101 tỷ đồng nợ xấu, gấp đôi năm 2011.
Bích Diệp