1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng nhà nước: Tăng trưởng tín dụng năm 2012 khoảng 15-17%

(Dân trí) - Năm 2012, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ và linh hoạt để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%, tín dụng tăng khoảng 15-17%...

Ngân hàng nhà nước: Tăng trưởng tín dụng năm 2012 khoảng 15-17% - 1
(Ảnh minh họa)
 
Hôm nay 17/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông báo định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2012. Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu do Quốc hội đề ra, trên cơ sở kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2011, NHNN xác định định hướng, mục tiêu và các giải pháp lớn về điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 bao gồm:

Thứ nhất, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ và linh hoạt để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức phù hợp; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô; hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) an toàn, tuân thủ theo quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Thứ hai, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%, tín dụng tăng khoảng 15-17%; lãi suất và tỷ giá được điều hành ở mức hợp lý phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Theo đó, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ cụ thể như sau: Điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với mục tiêu kiểm soát tổng phương tiện thanh toán 14-16% và tín dụng tăng trưởng 15-17%.

Về giải pháp điều hành tín dụng: NHNN chỉ đạo kiểm soát tăng trưởng tín dụng và dư nợ mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành lần đầu trong suốt cả năm 2012 tối đa là 15-17%. Giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các nhóm TCTD trên cơ sở xếp loại TCTD của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và theo nguyên tắc TCTD hoạt động tốt thì mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhóm TCTD hoạt động chất lượng thấp hơn. Yêu cầu TCTD xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm và từng quý trong năm 2012, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa mà NHNN phân bổ.

Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn phục vụ lĩnh vực sản xuất và các dự án, phương án có hiệu quả, kiểm soát dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích ở mức hợp lý. Thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ để đảm bảo tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ phù hợp khả năng huy động vốn, chủ trương hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.

Ngoài ra, NHNN sẽ điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế và các cân đối vĩ mô; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, thu hút các nguồn tiền đầu tư, kiều hối,... từ nước ngoài về nước, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

NHNN cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống tránh rủi ro và giảm nợ xấu, ổn định và lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, trước hết là thị trường liên ngân hàng, kể cả nội ngoại tệ, thị trường vàng; Triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng theo Đề án được Chính phủ phê duyệt với nguyên tắc không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, từng bước nâng cao tính an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hệ thống ngân hàng. Kiên quyết xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả phát triển…

Theo đánh giá từ chính NHNN, tổng phương tiện thanh toán năm 2011 ước tăng khoảng 10%, tín dụng tăng khoảng 12%, góp phần đưa lạm phát tăng chậm lại (từ tháng 8 đến nay, lạm phát tăng dưới 1%/tháng); đồng thời góp phần giảm mạnh nhập siêu, cải thiện đáng kể cán cân thanh toán quốc tế.

Năm 2011, tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tăng ở mức thấp nhưng cơ cấu tín dụng chuyển theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, giảm cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất. Ước đến cuối năm, tín dụng tăng 12%, trong đó: VND tăng 10,2%, tín dụng ngoại tệ tăng 18,7%, nhưng từ tháng 8 đến nay tín dụng ngoại tệ đã có xu hướng tăng chậm lại.

Từ tháng 10, một số TCTD có khó khăn thanh khoản tạm thời do mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động vốn ngắn hạn và cho vay trung, dài hạn, do huy động vốn từ các tổ chức và dân cư giảm, huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng chưa đủ bù đắp, nhưng đã được NHNN hỗ trợ kịp thời thông qua tái cấp vốn và nghiệp vụ thị trường mở. Thanh khoản ngoại tệ ở mức thấp trong 7 tháng đầu năm, từ tháng 8 đã cải thiện sau khi NHNN thực hiện một số biện pháp kiểm soát tín dụng bằng ngoại tệ.

Trước tình hình lạm phát tăng cao từ cuối năm 2010, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tuy nhiên việc áp dụng chung cho tất cả các TCTD chưa thật sự phù hợp đối với các TCTD hoạt động lành mạnh có thể tăng trưởng cao hơn và với các TCTD hoạt động yếu kém cần phải hạn chế tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, từ giữa tháng 11, NHNN đã cho phép các NHTM bố trí nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và cho vay vốn lưu động đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách linh hoạt hơn.

Ngoài ra, tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất được quy định áp dụng chung cho tất cả các loại hình TCTD, chưa phù hợp với một số trường hợp có hoạt động kinh doanh đặc thù; dư nợ cho vay phi sản xuất bao gồm cả các nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân (như mua nhà để ở, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, cho công nhân lao động thuê, nhà ở tái định cư...), nên TCTD không thể cho vay đối với các nhu cầu vốn này khi tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất đã sát hoặc vượt mức quy định.

Trên thị trường ngoại hối, mặc dù niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố nhưng tình trạng đô-la hóa vẫn chưa được giải quyết triệt để; tín dụng ngoại tệ tăng cao, một số TCTD có hệ số sử dụng vốn vượt 100%, một số TCTD huy động vốn nước ngoài để tăng trưởng tín dụng cao, tiềm ẩn rủi ro khi các nguồn vốn nước ngoài bị rút đột ngột. Trên thị trường vẫn còn tình trạng các TCTD lách các quy định về tỷ giá làm tăng bất ổn trên thị trường ngoại hối…

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm