Ngân hàng Nhà nước cảnh báo về cho vay ngang hàng

(Dân trí) - Tại Việt Nam, một số công ty đã đăng ký hành nghề kinh doanh là tư vấn tài chính, môi giới tài chính và tự giới thiệu là công ty cho vay ngang hàng cung cấp dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, tuy nhiên pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về lĩnh vực này.

Thời gian qua, sự bùng nổ các ứng dụng từ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã thúc đẩy nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, trong đó có ứng dụng cho vay ngang hàng (P2P Lending).

P2P Lending là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Toàn bộ hoạt động, vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến của công ty vận hàng ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng ghi điện tử, số hóa trên hệ thống cơ sở dữ liệu của công ty P2P Lending, được đăng tài cho khách hàng đăng ký tham gia nền tảng truy cập.

Ngân hàng Nhà nước cảnh báo về cho vay ngang hàng - 1

Một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình P2P Lending thực hiện hành vi bất hợp pháp (hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp...), đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân

Theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước, tại Việt Nam một số công ty đã đăng ký hành nghề kinh doanh là tư vấn tài chính, môi giới tài chính và tự giới thiệu là công ty P2P Lending cung cấp dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, tuy nhiên pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về lĩnh vực này.

Dù vậy, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế nhất là đối với các đội tượng yếu thế trong xã hội, qua đó có thể góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, mô hình này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia, có thể gây mất ổn định kinh tế xã hội do các bên có liên quan không trả được nợ; để lại những hệ lụy kéo dài, hết sức nặng nề mà nhiều nước trên thế giới đã phải trả giá thời gian qua.

Đáng chú ý, theo rà soát của Ngân hàng Nhà nước, một số công ty P2P Lending lợi dụng việc thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của người dân để quảng cáo và đưa ra thông tin không rõ ràng, sai lệch dẫn đến nhà đầu tư hiểu nhầm về việc các hoạt động đầu tư/cho vay qua các nền tảng của công ty P2P Lending đều được bảo hiểm rủi ro.

"Hoạt động P2P Lending mới được hình thành và phát triển gần đây, các nền tảng giao dịch trực tuyến của công ty P2P Lending chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá nên có thể tồn tại nguy cơ bị tấn công mạng, đánh cắp thông tin gây thiệt hại cho các bên tham gia," Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Ngoài ra, một số công ty P2P Lending là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho công ty tài chính, công ty cầm đồ hoặc công ty cầm đồ hợp tác với công ty công nghệ xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến để công ty cầm đồ tìm kiếm người đi vay và thực hiện cho vay; trong đó, một số công ty cầm đồ sử dụng nguồn tiền từ các khoản vay nước ngoài hoặc các khoản vay từ cá nhân, tổ chức trong nước để cho vay lại.

Một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình P2P Lending thực hiện hành vi bất hợp pháp (hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp...), đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân; tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, gây bất ổn đến an ninh kinh tế và ổn định xã hội.

Trong một số trường hợp, công ty P2P Lending và công ty cầm đồ thậm chí còn có dấu hiệu vi phạm Điều 8 Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi khi thực hiện hoạt động ngân hàng dưới hình thức cấp tín dụng.

Trước những rủi ro tiềm ẩn trên, để đảm bảo an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các tổ chức tín dụng nghiên cứu, tìm hiểu, nắm rõ các rủi ro phát sinh từ hoạt động P2P Lending để hướng dẫn, thông báo trong nội bộ tổ chức tín dụng (bao gồm cả các công ty con, công ty thành viên của tổ chức tín dụng) về các rủi ro tiềm ẩn của hoạt động P2P Lending, bao gồm rủi ro pháp lý và các rủi ro khác phát sinh từ hoạt động P2P Lending, trong bối cảnh pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh điều chỉnh hoạt động P2P Lending. Từ đó, thường xuyên rà soát quy trình, mô hình tổ chức, vận hành, quản trị nội bộ… của tổ chức tín dụng nhằm phòng ngừa các rủi ro có thể phát sinh.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng thận trọng trong việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các công ty P2P Lending để đảm bảo việc thỏa thuận, ký kết, thực hiện hợp đồng hợp tác giữa tổ chức tín dụng với các công ty P2P Lending đúng quy định pháp luật, không ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của tổ chức tín dụng, cũng như uy tín, an toàn của hệ thống ngân hàng.

Trong quá trình giao dịch, hợp tác với các công ty P2P Lending, tổ chức tín dụng xem xét đề nghị các công ty P2P Lending công bố đầy đủ, minh bạch, trung thực các thông tin về nội dung hợp tác, giao dịch giữa công ty P2P Lending với tổ chức tín dụng trong tất cả các thông điệp và phương tiện quảng cáo, truyền thông, bán hàng mà công ty P2P Lending truyền tải đến người tiêu dùng và các bên có liên quan.

Các tổ chức tín dụng phải thường xuyên theo dõi việc công bố thông tin về quan hệ hợp tác giữa công ty P2P Lending với tổ chức tín dụng để kịp thời phát hiện thông tin được công ty P2P Lending công bố không chính xác, không đầy đủ, có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng và các bên có liên quan (nếu có) để có giải pháp xử lý phù hợp.

Đặc biệt phải đảm bảo việc hợp tác, kết nối, giao dịch giữa tổ chức tín dụng (bao gồm cả các công ty con, công ty thành viên của tổ chức tín dụng) với các công ty P2P Lending an toàn, hiệu quả, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng và khách hàng, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật có liên quan.

Hiện nay, P2P Lending đã phát triển ở nhiều dạng thức khác nhau kể từ khi xuất hiện lần đầu ở Anh vào năm 2005. Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật chưa có quy định quản lý riêng và cũng không cấm (trừ trường hợp được xác định là hoạt động ngân hàng) nên mô hình này xuất hiện cách đây khoảng 2 năm với 40 công ty đang hoạt động.

Trong 40 công ty P2P Lending đang hoạt động ở nước ta thì có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia và Singapore. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, một số công ty trong số 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng.

An Hạ