Ngân hàng ngừng nhận thế chấp đất không sổ đỏ

Kể từ 1/1, những người có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê hay thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nhiều hợp đồng vay vốn thế chấp bằng đất tại các ngân hàng đang bị ách lại do vướng quy định này.

Theo điều 184, Nghị định 181 hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, kể từ 1/1, người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được mua bán, chuyển nhượng, thế chấp... quyền sử dụng đất. Các giấy tờ về đất như giấy phép mua bán, quyết định giao đất của quận huyện trước khi có Luật Đất đai hay các tờ đoạn mãi,... tạm gọi là giấy trắng, không có giá trị trong giao dịch. Cơ quan công chứng cũng không chứng thực cho những giấy tờ như vậy.

 

Quy định này đang khiến các ngân hàng lúng túng, vì từ trước tới nay, khách hàng chỉ cần “giấy trắng” cũng có thể thế chấp để vay tiền. Giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank) chi nhánh TPHCM, Nguyễn Phước Thanh cho biết: “Đa số người dân có nhà trước năm 1975 chỉ sử dụng “giấy trắng”, nghĩa là giấy trao tay bởi quá trình làm lại giấy hồng (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà) rất khó khăn và mất nhiều công sức. Nay đột xuất phải vay một khoản tiền của ngân hàng đương nhiên họ không thể thế chấp được, mặc dù họ có đầy đủ bằng chứng sở hữu hợp pháp”.

 

Theo ông Thanh, xưa nay, thế chấp bằng giấy tờ nhà đất vốn rất được ngân hàng tín nhiệm bởi độ an toàn cao. Hình thức vay này chiếm tỷ lệ 40% trong tổng số tín dụng của Vietcombank. Tuy vậy từ khi nghị định có hiệu lực, ngân hàng đành ngưng hẳn những giao dịch kiểu này.

 

“Điều này gây khó khăn cho cả phía nhà băng lẫn khách hàng, bởi một bên cần vốn và một bên cần khách. Đó là chưa kể đến việc khách hàng hiểu lầm rằng nhà băng gây khó dễ. Sự thực, nhà băng luôn mong hoạt động tín dụng của mình phát triển đi đôi với tính an toàn cao”, ông Thanh giải thích.

 

Theo quy định, để được thế chấp vay tiền, người dân phải đăng ký giao dịch đảm bảo. Nhưng Giám đốc Ngân hàng Công Thương II (Chi nhánh TPHCM) Lê Hữu Thọ khẳng định không công chứng được giấy thì sẽ không thể đăng ký được giao dịch này.

 

Đại diện Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) kiến nghị, nên lùi thời điểm thi hành nghị định trên ít nhất là 2 năm nữa để người dân kịp hoàn thiện các giấy tờ về nhà đất. Bởi nếu giữ nguyên thời hạn trên, Eximbank sẽ ách tắc khoảng 30 -40% hồ sơ tín dụng. “Đây sẽ là thiệt hại rất lớn, không chỉ về phía người dân mà cho cả hệ thống ngân hàng”, ông nhấn mạnh.

 

Trưởng phòng Công chứng số 1 TPHCM, ông Phan Văn Cheo cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho các trường hợp vướng giấy trắng, tuần trước, ông Cheo đã kiến nghị lên Sở Tư pháp, trong khi chờ đợi nhà nước cấp đổi chủ quyền nên chấp nhận các giấy tờ do chính quyền cấp từ trước tới nay để tiện cho dân. “Cuối năm là thời điểm nóng, mọi người đều tiến hành vay vốn kinh doanh sản xuất. Không thể ngừng các giao dịch của người dân chỉ vì các giấy tờ rườm rà”, ông Cheo nói.

 

Như vậy, trong khi các quan chức năng tháo gỡ vướng mắc trên, muốn thế chấp vay được tiền ngân hàng người dân có giấy trắng không còn cách nào khác là phải xin được giấy chứng nhận chủ quyền đất hoặc nhà mới được công chứng. Tuy nhiên, hiện nay hồ sơ xin cấp giấy đỏ và giấy hồng ở TPHCM cũng đang gặp nhiều khó khăn. Có nhiều người đã nộp hồ sơ xin nhiều tháng nay mà vẫn chưa được giải quyết.

 

Theo V.Lê - A.Hồng

Dothi.net