1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Ngân hàng mang tiền đi bán… rong

Không chỉ bất động sản mà giờ, ngân hàng đang loay hoay tìm kiếm đầu ra cho nguồn vốn đã huy động đến nỗi cán bộ tín dụng và cả lãnh đạo ngân hàng giờ cũng phải đôn đáo chào mời, tìm kiếm khách hàng để cho vay vốn.

Giảm lãi suất tiền gửi nhưng đầu vào vẫn tăng mạnh
 Giảm lãi suất tiền gửi nhưng đầu vào vẫn tăng mạnh

 

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 31/3, tín dụng đã tăng 1% so với cuối tháng 2 và vẫn tăng chút ít so với cuối năm 2013. Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 3, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 17/3 là âm 1,05% so với cuối năm 2013, trong đó, tín dụng bằng đồng Việt Nam âm gần 2%.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

 

Như vậy để thấy rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra trước đó thực sự là một thách thức lớn. Dòng vốn vẫn đang “nằm im”, ùn ứ trong két các nhà băng. Ngân hàng đang phải “sống” với nỗi lo tồn kho, ế vốn tiền và đây cũng được chỉ ra là nguyên nhân dẫn tới việc Ngân hàng Nhà nước thất bại trong việc chào thầu 1.000 tỉ đồng/mỗi phiên, với lãi suất 5,5% (thấp hơn lãi suất huy động – PV) từ ngày 17 - 21/3 trên thị trường mở (OMO).

 

Thực tế này cho thấy, áp lực tăng trưởng tín dụng mà các ngân hàng phải thực hiện từ nay đến cuối năm 2014 là rất lớn.

 

Tìm hiểu của PV, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn, “sức khỏe” của hầu hết các doanh nghiệp vẫn còn khá yếu và mới chỉ đang trong quá trình phục hồi, mặc dù nguồn vốn huy động được rất dồi dào nhưng các ngân hàng cũng không dám giải ngân một cách “thoải mái”. Thậm chí, một số chi nhánh ngân hàng vì áp lực phải cơ cấu lại nợ, phải giảm nợ xấu… còn đưa ra những điều kiện cho vay vốn chặt chẽ hơn. Đồng thời, để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, không chỉ cán bộ tín dụng mà cả lãnh đạo ngân hàng sẽ trực tiếp đi gặp gỡ, tiếp xúc với những khách hàng có uy tín, có kế hoạch, có chiến lược kinh doanh tốt hoặc có những dự án được đánh giá là triển vọng…

 

Tuy nhiên, như đã đề cập tới ở trên, số lượng doanh nghiệp có uy tín, có chiến lược kinh doanh tốt… là rất ít và nếu có thì cũng không phải doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu vay vốn. Vậy nên, với những doanh nghiệp này, họ sẽ thường xuyên nhận được những lời chào mời vay vốn từ phía ngân hàng.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Anh Ngọc (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, những ngày gần đây, sau khi biết thông tin ông nhận được hợp đồng thi công một dự án nhà ở xã hội được sử dụng vốn ưu đãi của gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, ông liên tiếp nhận được điện thoại của các cán bộ tín dụng ngân hàng xin hẹn gặp. Mục tiêu của họ là tiếp thị, chào mời ông vay vốn. Thậm chí, giám đốc một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn quận cũng đã trực tiếp gọi cho ông xin hẹn gặp với lời cam kết sẽ dành những ưu đãi tốt nhất có thể nếu doanh nghiệp của ông vay vốn của họ.

 

Theo ông Tuấn Anh, hiện tượng này đã diễn ra từ lâu chứ không phải đến bây giờ mới diễn ra. Nếu như trước kia, ông thường xuyên nhận được các cuộc gặp chào mời gửi tiền, mở tài khoản tiết kiệm… thì khoảng hơn 1 năm nay, họ chỉ chào mời vay vốn.

 

Mang câu chuyện này ra trao đổi với một cán bộ tín dụng ngân hàng thì được biết, chuyện này giờ là bình thường, có khi trong nhiều chi nhánh cùng hệ thống lại chào mời 1 doanh nghiệp.

 

Cán bộ tín dụng này cho biết, hầu hết các chi nhánh ngân hàng đều nhận các chỉ tiêu tín dụng, chỉ tiêu xử lý nợ, chỉ tiêu lợi nhuận… và nếu không hoàn thành các chỉ tiêu này thì không chỉ lãnh đạo các chi nhánh mà tất cả cán bộ công nhân viên của đều phải chịu trách nhiệm. Để đảm bảo điều này, tuy từng chi nhánh, các cán bộ công nhân viên sẽ bị giữ lại một phần lương nhất định và việc có được truy lĩnh phần lương này hay không sẽ phụ thuộc vào việc hoàn thành chỉ tiêu mà họ được giao. Chính vì vậy, nếu không muốn bị giảm lương, cắt giảm hợp đồng… họ phải chạy ngược chạy xuôi, tìm kiếm đối tác để chào mời vay vốn.

 

“Làm cán bộ tín dụng ngân hàng giờ mệt mỏi lắm. Từ sáng tới chiều chỉ mong hẹn gặp được khách hàng để mà tiếp thị, mà chào mời vay vốn. Mà gặp rồi, tiếp thị rồi cũng khó vì với những doanh nghiệp có uy tín, không phải chỉ có một mà có cả tá ngân hàng đến chào mời. Có khi họ đồng ý ký hợp đồng tín dụng với mình rồi nhưng chiều, một ngân hàng khác đến chào mời với những ưu đãi tốt hơn, họ lại đổi ý…” - cán bộ tín dụng này cho biết.

 

Những câu chuyện trên phần nào cho thấy, hình như bây giờ các ngân hàng đã qua cái thời “ngồi mát ăn bát vàng” rồi. Thay vì ngồi một chỗ chờ người có nhu cầu đến vay vốn, giờ họ phải ôm cả “đống” tiền đi khắp nơi để chào “bán”.

 

Theo Minh Ngọc

Petrotimes
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước