1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tín dụng tăng trưởng dương, vốn vào trái phiếu hay sản xuất?

(Dân trí) - Tín dụng đã có bước tăng trưởng đột phá trong tháng 3, dù 2 tháng trước đó vẫn âm. Trong đó, nguồn vốn ngân hàng “chảy” vào trái phiếu tương đương với 1,09% tăng trưởng tín dụng.


Số liệu của Vụ Chính sách Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu như tín dụng tháng 1, tháng 2 giảm tương đương 0,55% và giảm 0,65% thì đến tháng tháng 3 đã tăng khoảng 1,35%. Và tính chung quý 1/2014, tín dụng đã tăng trưởng dương 0,01%.

Tại TPHCM, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 954.000 tỷ đồng, tăng 0,12% so cuối năm 2013 và tăng 8,3% so cùng kỳ. Trong đó, dư nợ bằng VND đạt 797.200 tỷ đồng, giảm 0,57%; dư nợ bằng ngoại tệ quy đổi đạt 156.800 tỷ đồng, tăng 3,75% so cuối năm 2013.

Theo đánh giá của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, tốc độ tăng trưởng tín dụng của tháng 3 so với tháng 2 là khá cao, khoảng 1% và với xu hướng hiện nay, các tháng tiếp theo tốc độ tăng tín dụng đảm bảo mục tiêu đề ra 12 - 14%. “Đà này rất tốt, tăng tín dụng không có vấn đề gì quá đáng lo ngại”, Thống đốc NHNN khẳng định trước các thành viên Chính phủ.

Tín dụng thoát tăng trưởng dương là một dấu hiệu đáng mừng. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đã có những dấu hiệu tích cực theo hướng dịch chuyển theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo thống kê từ NHNN, ngoại trừ lĩnh vực xuất khẩu, các lĩnh vực ưu tiên khác, đặc biệt là nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ tín dụng vẫn hầu như không tăng, thậm chí còn giảm. Trong đó, tín dụng xuất khẩu tăng 1,28%, công nghiệp hỗ trợ tăng 1,73%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 0,41% so với cuối năm 2013. Đến cuối tháng 2/2014, tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 0,15% so với cuối năm 2013.

Riêng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn giảm so với cuối năm 2013 bởi sức hấp thụ vốn của khối doanh nghiệp này thấp, nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, nên không đủ điều kiện vay vốn.

Và trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, hệ thống ngân hàng đã tăng cường đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng đã mua khoảng 83% lượng trái phiếu Chính phủ phát hành (số liệu đến 28/3/2014, tổng lượng trái phiếu Chính phủ phát hành khoảng 81.600 tỷ đồng).

Số dư trái phiếu chính phủ do các tổ chức tín dụng nắm giữ tăng thêm trong ba tháng đầu năm (bằng số mua trái phiếu chính phủ trừ đi số trái phiếu chính phủ đến hạn thanh toán) là khoảng 43.000 tỷ, tương đương với 1,09% tăng trưởng tín dụng.

Theo đánh giá của chuyên gia tài chính, trong điều kiện các tổ chức tín dụng chưa thể mở rộng tín dụng mặc dù lãi suất cho vay đã giảm mạnh thì việc các tổ chức tín dụng tăng cường đầu tư vào trái phiếu chính phủ cũng là một sự linh hoạt vừa đem lại hiệu quả đầu tư của nguồn vốn huy động phải trả lãi, đồng thời tăng dự trữ thanh khoản.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành ngân hàng cần tập trung đẩy mạnh vốn vào sản xuất, kinh doanh hơn nữa.

Nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết: Thời gian tới, để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, lưu thông dòng vốn trong nền kinh tế, cơ quan này tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp tín dụng để đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12-14%. Trong đó, ngành ngân hàng tiếp tục tập trung ưu tiên vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở; triển khai sản phẩm tín dụng cho vay liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng bao gồm ngân hàng - chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp...

Nguyễn Hiền
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước