Ngân hàng lũ lượt rời Thụy Sỹ vì mất quyền giữ bí mật
(Dân trí) - Không còn là “thiên đường” cho những giao dịch bí mật, Thụy Sỹ đang chứng kiến làn sóng ra đi của các ngân hàng nước ngoài, trước lo ngại sức hấp dẫn từ sự bí mật không còn trong khi chi phí để tuân thủ các quy định pháp luật bào mòn lợi nhuận.
Theo thống kê của Hiệp hội ngân hàng nước ngoài tại Thụy Sỹ, tính đến cuối tháng 5 vừa qua, số lượng ngân hàng nước ngòai tại Thụy Sỹ chỉ còn 129, giảm mạnh so với con số 145 của đầu năm 2012.
Quy mô tài sản của khách hàng mà nhóm ngân hàng nước ngoài quản lý, tính tới cuối năm 2012 cũng giảm tới một phần tư so với với 5 năm trước đó, xuống 870,7 franc Thụy Sỹ, tương đương 921 tỷ USD.
Dù vậy, đây có lẽ mới chỉ là bước khởi đầu. Bởi theo các nhân viên ngân hàng, các công ty tư vấn cũng như nhà phân tích được Bloomberg khảo sát, việc các ngân hàng không còn quyền giữ bí mật cũng như các hoạt động điều tra, giám sát của cơ quan quản lý, sẽ kích hoạt một làn sóng mua bán, sáp nhập trong vòng từ 12 – 18 tháng tới.
Cho dù Thụy Sỹ vẫn là trung tâm cất giữ tài sản quốc thế lớn nhất với khoảng 2.200 tỷ USD, tương đương 26% quy mô thị trường, theo khảo sát của Boston Consulting Group, sự ra đi kể trên sẽ khiến vị thế của “thiên đường” cất giấu tài sản này bị mai một.
“Các ngân hàng sẽ phải chấn chỉnh”, Felix Wenger, giám đốc của công ty tư vấn McKinsey & Co tại Zurich cho biết. “Nhất là đối với Thụy Sỹ, một số ngân hàng nước ngoài có thể quyết định rằng ra đi là lựa chọn tốt nhất”.
Trên thực tế, việc này đã diễn ra. Hồi tháng 5 vừa qua, Lloyds Banking Group Plc, ngân hàng cho vay cầm cố bất động sản lớn nhất của Anh, đã bán mảng ngân hàng tư nhân quốc tế cho một quỹ quản lý tài sản của Thụy Sỹ có tên Union Bancaire Privee. Cũng chính quỹ này đã mua lại mảng ngân hàng nước ngoài tại Geneva của ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha Banco Santander SA hồi năm ngoái.
Trước đó, năm 2009, ngân hàng Commerzbank AG của Đức đã bán chi nhánh tại Thụy Sỹ, trong khi ING Groep NV đóng cửa mảng ngân hàng tư nhân tại đây.
Ngoài ra, thêm nhiều thương vụ sắp được thực hiện. Trong đó HSBC Holdings Plc, ngân hàng tư nhân nước ngoài lớn nhất Thụy Sỹ xét theo tổng tài sản đang quản lý, chuẩn bị bán một phần mảng kinh doanh của mình, CEO Stuart Gulliver tiết lộ hồi tháng 5.
Hãng bảo hiểm Assicurazioni Generali SpA của Italia cũng đang rao bán BSI Group, một ngân hàng tư nhân có trụ sở tại Lugano với lịch sử 140 năm.
Một bản báo cáo được PricewaterhouseCoopers công bố hồi tuần trước cho thấy ngày càng nhiều công ty quản lý quỹ tòan cầu nhận định sẽ có thêm nhiều vụ sáp nhập trong 2 năm tới.
Khi bí mật bị phanh phui
Chính quyền Mỹ hiện đang điều tra nhiều ngân hàng Thụy Sỹ và chi nhánh của các ngân hàng nước ngòai tại nước này, trong đó có HSBC, sau khi ngân hàng UBS của Thụy Sỹ thừa nhận năm 2009 rằng đã hỗ trợ cho các hoạt động trốn thuế. Với thừa nhận này, UBS đã tránh được việc bị xét xử.
UBS đã cung cấp cho giới chức Mỹ dữ liệu của khoảng 4700 tài khoản của các khách hàng người Mỹ. Pháp và Đức cũng đang tìm kiếm thông tin về những cá nhân trốn thuế bằng cách sử dụng thông tin bị đánh cắp từ các ngân hàng Thụy Sỹ và chia sẻ thông tin này với với các nước châu Âu khác.
Kể từ đầu năm nay, Thụy Sỹ cũng chính thức thực thi thỏa thuận trợ giúp cho Anh và Áo trong việc thu thuế đối với tài khoản của các công dân 2 nước này mở tại các ngân hàng Thụy Sỹ. Các thỏa thuận tương tự với các quốc gia châu Âu khác cũng đang được bàn thảo.
“Hành động của giới chức Mỹ và EU cùng với áp lực kiểm soát tăng lên có thể khiến ngành ngân hàng tư nhân Thụy Sỹ thay đổi nhiều hơn nữa, khiến chi phí kinh doanh tăng lên”, Francois-Xavier de Mallmann, trưởng dịch vụ ngân hàng đầu tư tại châu Âu của Goldman Sachs nhận định.
Mức lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng nước ngòai tại Thụy Sỹ trong năm 2012 đã giảm xuống còn 0,2%, so với mức 0,38% năm 2007.
Việc lợi nhuận giảm trong những năm gần đây đã khiến nhiều ngân hàng nhỏ không còn lựa chọn nào khác ngoài ra đi hoặc sáp nhập với ngân hàng khác. Theo báo cáo của McKinsey, để duy trì mức lợi nhuận đủ hấp dẫn, quy mô tài sản mà các ngân hàng quản lý phải đạt 10 tỷ euro, gấp đôi mức 5 tỷ euro .
Hiện chỉ khoảng 20 ngân hàng nước ngoài tại Thụy Sỹ, trong đó có HSBC và Societe Generale SA, quản lý khối tài sản gần mức 10 tỷ franc (tương đương hơn 8 tỷ euro).
Thanh Tùng
Theo Bloomberg