1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ bị phạt 4 tỷ USD

(Dân trí) - JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ vừa đạt được thỏa thuận bồi thường 4 tỷ USD với Cơ quan tài trợ nhà ở liên bang Mỹ, vì đã bán hàng tỷ USD tài sản chất lượng kém cho các công ty hỗ trợ mua nhà ở của chính phủ.

JP Morgan Chase bị phạt nặng vì bán trái phiếu chất lượng kém
JP Morgan Chase bị phạt nặng vì bán trái phiếu chất lượng kém

Theo hãng tin Bloomberg, JP Morgan Chase bị cáo buộc đã bán các chứng khoán được đảm bảo bằng các khoản cho vay bất động sản chất lượng kém. Ban đầu Cơ quan tài trợ nhà ở liên bang Mỹ (FHFA) còn yêu cầu ngân hàng này phải bồi thường tới 6 tỷ USD.

FHFA cáo buộc JPMorgan Chase và các công ty con của họ đã đưa ra những tuyên bố không trung thực, và lờ đi những sự thật quan trọng khi bán số trái phiếu được đảm bảo bằng các khoán cho vay cầm cố nhà ở, trị giá 33 tỷ USD cho Fannie Mae và Freddie Mac, trong giai đoạn từ ngày 7/9/2005 đến 19/9/2007. FHFA là cơ quan quản lý của cả hai đơn vị tài trợ mua nhà này.

Cơ quan quản lý khẳng định các lãnh đạo của JPMorgan, Washington Mutual và Bear Stearns, công ty JPMorgan đã mua lại năm 2008, đã cố ý khai báo sai về chất lượng các khoản vay được dùng để đảm bảo cho các trái phiếu do họ phát hành. Chính điều này đã khiến Fannie Mae và Freddie Mac thua lỗ nặng và phải xin chính phủ Mỹ cứu trợ.

Thỏa thuận với FHFA có thể là một phần trong một thỏa thuận lớn hơn mà ngân hàng này đang tìm kiếm với các cơ quan chức năng bang và liên bang Mỹ, các nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Nếu JP Morgan Chase không thể đạt được một thỏa thuận bồi thường toàn cầu đối với các vấn đề liên quan đến trái phiếu do họ phát hành, họ có thể tìm cách giải quyết vấn đề một cách riêng lẻ, như trường hợp của FHFA.

Ngân hàng này đang phải đương đầu với hàng loạt cuộc điều tra cả trong và bên ngoài nước Mỹ, bao gồm cả khoản thiệt hại trong giao dịch sản phẩm phái sinh hơn 6,2 tỷ USD và những vấn đề trong tuyển dụng tại châu Á. Kể từ năm 2010 đến nay, họ đã phải sử dụng 8 tỷ USD trong tổng cộng 28 tỷ USD được trích riêng để trang trải các chi phí pháp lý.

Ngân hàng có trụ sở tại New York này cũng đang thảo luận một thỏa thuận có quy mô khoảng 11 tỷ USD với chính quyền các bang và chính phủ liên bang, nhằm khép lại những cáo buộc và điều tra liên quan đến hoạt động cho vay cầm cố, trong đó có cả một cuộc điều tra hình sự của cơ quan công tố Mỹ tại bang California.

JPMorgan là một trong số 18 ngân hàng bị FHFA khởi kiện vì đã bán các trái phiếu đảm bảo bằng các khoản cho vay cầm cố cách đây 2 năm, trong một nỗ lực nhằm thu hồi những tổn thất mà người nộp thuế phải gánh, khi chính phủ kiểm soát Fannie Mae (FNMA) và Freddie Mac năm 2008. Hai công ty này đã phải xin cứu trợ từ ngân sách liên bang tới 187,5 tỷ USD.

Hiện người phát ngôn của JP Morgan và FHFA đều từ chối bình luận về những thông tin trên.

Các vụ kiện tụng và điều tra pháp lý đã khiến ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tiêu tốn 7,2 tỷ USD trong quý 3 vừa qua, quý đầu tiên họ thua lỗ kể từ khi CEO Jamie Dimon lên nắm quyền. “Đây quả là một điều đau đớn cho công ty”, ông Dimon phát biểu sau khi kết quả kinh doanh quý 3 được công bố hôm 11/10. Tổng cộng, trong quý vừa qua ngân hàng này lỗ 400 triệu USD.

Thanh Tùng
Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm