Ngân hàng đau đầu với bài toán vốn
Trong khi vốn khả dụng của không ít ngân hàng quy mô lớn đang dư thừa, nhưng khó kinh doanh hiệu quả qua thị trường liên ngân hàng, thì ngân hàng quy mô nhỏ lại không thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ trên thị trường này để phát triển tín dụng.
Không chỉ với ngân hàng thiếu vốn, mà ngay cả ngân hàng dư thừa vốn khả dụng cũng "đau đầu" trước bài toán làm thế nào để đảm bảo được khả năng sinh lãi cho đồng vốn huy động về.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, là quy định không cho phép ngân hàng sử dụng quá 20% vốn liên ngân hàng để làm vốn tín dụng.
Theo đánh giá của các chuyên kinh tế, quy định này là rào cản đối với việc thực hiện chủ trương giảm lãi suất huy động và cho vay.
Thị trường liên ngân hàng được xem là nơi tìm kiếm lợi nhuận của các ngân hàng lớn có nguồn vốn khả dụng dồi dào, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chưa được cải thiện như hiện nay.
Nhưng, với quy định nói trên, ngân hàng thừa vốn cũng khó có thể kinh doanh hiệu quả qua liên ngân hàng, vì nhu cầu vốn của ngân hàng nhỏ giảm khi không được sử dụng quá 20% vốn qua thị trường này để làm vốn tín dụng.
Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2010, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh vốn qua thị trường liên ngân hàng của Vietcombank chỉ đóng góp khoảng 300 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận hơn 2.800 tỷ đồng trước thuế của Ngân hàng.
Còn theo ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, Ngân hàng vẫn tham gia kinh doanh vốn trên thị trường liên ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, mảng kinh doanh vốn qua liên ngân hàng của ACB trong thời gian qua cũng không được mạnh và nhiều như năm trước, vì có hạn chế nhất định đối với việc sử dụng vốn từ thị trường này.
Trong khi đó, với ngân hàng nhỏ, do không thể sử dụng quá 20% vốn trên liên ngân hàng để phát triển tín dụng, nên phải tiếp tục "neo" lãi suất ở mức cao mới cạnh tranh được trong huy động vốn.
Thực tế, sau khi giảm lãi suất theo sự đồng thuận giữa các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) mới đây, không ít ngân hàng nhỏ phải tái tăng lãi suất tiền gửi VND.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhỏ cho biết, sắp tới, khi quy định về việc nâng tỷ lệ an toàn vốn từ 8% lên 9% có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2010 và bổ sung quy định về tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (80% đối với ngân hàng và 85% đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng) sẽ là khó khăn đối với các ngân hàng.
Lãi suất huy động vốn ở các ngân hàng nhỏ khó giảm, dẫn đến mặt bằng lãi suất chung của thị trường khó về mức kỳ vọng, bởi ngân hàng lớn sợ tiền "chạy", nên phải duy trì lãi suất ở mức cạnh tranh để giữ nguồn tiền tiết kiệm và thu hút được tiền nhàn rỗi.
Chính những yếu tố này cho thấy, dư nợ tín dụng tăng chậm trong thời gian qua chưa hẳn do áp lực lãi suất, hoặc doanh nghiệp thiếu vốn ngại tiếp cận ngân hàng, mà do các ngân hàng giữ thanh khoản để cân đối bài toán vốn khi tỷ lệ an toàn vốn tăng lên 9% kể từ ngày 1/10/2010.
Từ đó, buộc các ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất trong thời gian qua để có thể hút thêm nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư, bù lại cho thanh khoản. Đồng thời, hạn chế cho vay ra, để có thể dễ dàng cân đối được bài toán vốn khi tỷ lệ an toàn vốn tăng lên.
Điều này dẫn đến vốn của các ngân hàng dư vẫn dư, nhưng ở các ngân hàng khó huy động vốn thì thiếu sẽ vẫn thiếu. Vì vậy, lãi suất (cả huy động và cho vay thỏa thuận) khó có thể giảm mạnh.
Do đó, theo một cán bộ ngành ngân hàng, cần tháo gỡ các rào cản hành chính và trái nguyên lý đối với hoạt động của thị trường liên ngân hàng, nhằm tạo điều kiện giảm mạnh hơn lãi suất huy động và cho vay, qua đó kích thích tăng trưởng dư nợ tín dụng.