Ngân hàng đang lo... thừa tiền
Các tổ chức tín dụng bắt đầu lo có quá nhiều vốn khả dụng, khoảng 90.000 tỉ đồng (5,5 tỉ USD) chưa cho vay ra được, trong khi họ không dám đẩy tăng trưởng tín dụng vì lãi suất còn cao và e ngại rủi ro.
Tín hiệu đảo chiều
Theo số liệu của sàn Hà Nội, trái phiếu chính phủ vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong tuần qua (từ ngày 20 đến ngày 24/10). Họ mua vào 2.295 tỉ đồng và bán ra 4.777 tỉ đồng, bán ròng 2.482 tỉ đồng, tương đương 148 triệu USD.
Nhưng lần bán ra này có một điểm khác: khá nhiều các giao dịch bán ra là repo trái phiếu (trái phiếu sẽ được mua lại với giá nhất định sau một thời gian thỏa thuận nhất định - NV). Như vậy một số tổ chức chủ sở hữu trái phiếu đang cần tiền đồng và đối với họ, về lâu dài trái phiếu vẫn là thứ hàng hóa hấp dẫn.
Trên thực tế lực hút của trái phiếu đang gia tăng nhanh chóng. Nguyên nhân chính là các ngân hàng trong nước, nhất là ngân hàng cổ phần, “lùng sục” mua trái phiếu. Những người kinh doanh tiền tệ giàu kinh nghiệm đã hiểu rằng với việc lãi suất cơ bản chính thức giảm vừa rồi, lãi suất đang trên đường tìm về mặt bằng cũ của chính nó trong các năm 2006 - 2007.
Mua trái phiếu với lợi tức 14%/năm bây giờ sẽ là một món hời trong thời gian tới. Mặt khác, quan trọng hơn lợi tức, trái phiếu là “vùng trũng” an toàn để “giải phóng” nguồn vốn khả dụng đang dư thừa.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết các ngân hàng nội địa đang dư thừa khoảng 50.000 tỉ đồng. Số tiền tạm thừa còn tăng thêm 20.300 tỉ đồng khi các ngân hàng đang lần lượt rút tín phiếu bắt buộc mua hồi tháng 3/2008 trước hạn.
Bộ phận kinh doanh trái phiếu của Dragon Capital tính toán trong tháng 10 và 11/2008 có thêm khoảng 1,3 tỉ USD (khoảng 22.000 tỉ đồng) trái phiếu chính phủ đáo hạn. Chủ sở hữu lượng trái phiếu này chủ yếu là các ngân hàng. Tổng cộng các ngân hàng có thêm nguồn cung tiền khoảng hơn 42.000 tỉ đồng và nguồn vốn dư thừa lên tới 92.000 tỉ đồng.
Vốn huy động tăng mạnh
Tiền thừa nhưng ngân hàng không mạnh tay phát triển tín dụng vì e ngại rủi ro mặc dù cho đến cuối tháng 10/2008 tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới chỉ ở mức 18% so với 30% được phép. Trong khi đó lãi suất đầu ra vẫn còn cao, trung bình 16 - 18%/năm, đang là rào cản đối với doanh nghiệp.
Ở phía nguồn cung, vốn huy động của ngân hàng đang tăng vọt. Thông tin từ giới ngân hàng cho biết chỉ trong vòng hai tuần đầu tháng 10, vốn huy động của 10 ngân hàng cổ phần tại Hà Nội tăng 22% so với ngày 1/10/2008.
Đây là mức tăng đột biến bởi đến đầu tháng 9/2008 vốn huy động của những ngân hàng này chỉ tăng 2% so với cuối năm 2007. Dự đoán hai tháng cuối năm vốn huy động của ngân hàng sẽ còn tăng mạnh vì lãi suất tiết kiệm đang có lợi cho người gửi tiền.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2008 chỉ tăng 0,18%, tháng 10/2008 giảm 0,19%. Thiểu phát đã có dấu hiệu nhen nhúm. Các chuyên gia tài chính dự báo trong vòng sáu tháng tới chỉ số giá cả có nhiều khả năng không vượt quá 6%, tương ứng 12%/năm. Gửi tiết kiệm với lãi suất 15 - 16%/năm như hiện nay, người gửi chắc chắn có lợi.
Ngân hàng sẽ làm gì với lượng vốn khả dụng dư thừa? Ngay cả khi NHNN gây sức ép, cũng khó hy vọng các ngân hàng sẽ đẩy vốn ra nhanh cho nền kinh tế nếu rào cản lãi suất cao chưa được gỡ bỏ.
Hơn nữa, bài học chạy theo lợi nhuận, “bơm” vốn quá nhiều, quá nhanh cho bất động sản năm ngoái vẫn còn đó. Sẽ không có nhiều ngân hàng “mạo hiểm” lần thứ hai. Hệ lụy có thể nhìn thấy trước là vốn thừa càng nhiều, ngân hàng sẽ càng giảm nhanh lãi suất.
Bên cạnh đó, các ngân hàng chuẩn bị có thêm khoản lợi nhuận đột biến từ việc tăng lãi suất dự trữ bắt buộc. Lãi suất dự trữ bắt buộc đã được tăng cả thảy ba lần, lần một từ 1,2%/năm lên 3,6%/năm; lần hai từ 3,6% lên 5%/năm; lần ba từ 5% lên 10%/năm.
Tính toán dựa trên số tiền dự trữ bắt buộc đang gửi tại NHNN (11% tổng vốn huy động), việc tăng lãi suất này sẽ mang lại cho Vietcombank 230 tỉ đồng lợi nhuận, BIDV khoảng 170 tỉ đồng, ACB 120 tỉ đồng, Sacombank gần 100 tỉ đồng, Eximbank hơn 60 tỉ đồng, Techcombank 65 tỉ đồng, Quân đội 40 tỉ đồng, Đông Á 35 tỉ đồng... Lợi nhuận được củng cố, áp lực lợi nhuận giảm đi phần nào, các ngân hàng sẽ càng thận trọng hơn đối với tín dụng.
Câu chuyện bây giờ là khơi thông dòng chảy tiền tệ. Không thể để vốn ứ đọng trong ngân hàng khi nền kinh tế đang cần vốn, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để tăng sức đề kháng, chống chọi lại tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nhưng làm thế nào để đồng vốn với giá thành hợp lý đến được doanh nghiệp? Bơm nước cho các dòng sông là điều kiện cần, nhưng phải đi kèm điều kiện không thể thiếu là be bờ, phá các đập không còn thích hợp để nước có thể chảy hiền hòa ổn định.
Giới tài chính và doanh nghiệp đang chờ đợi lãi suất sẽ tiếp tục được điều chỉnh trong tháng 11 này.
Theo Hải Lý
Thời báo Kinh tế Sài Gòn