Ngân hàng cổ phần đầu tiên “trúng” gói ODA 200 triệu Euro
(Dân trí) - Bộ Tài chính vừa có công văn 8041 đồng ý để SHB làm cơ quan cho vay lại của dự án “Lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ” sử dụng vốn vay phát triển của Ngân hàng Tái thiết Đức trị giá 350 triệu Euro. Đây là lần đầu tiên một ngân hàng cổ phần “trúng” gói sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Đức, ở giai đoạn 1 với 200 triệu Euro.
Dự án “Lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ” sử dụng vốn vay phát triển của Ngân hàng Tái thiết Đức trị giá 350 triệu Euro đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 733 ngày 29/4/2016 với cơ chế tài chính cho vay lại 100% (cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng). Dự án được chia làm 2 giai đoạn với số vốn vay của giai đoạn 1 là 200 triệu Euro, giai đoạn 2 là 150 triệu Euro.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã nhận được công văn số 1238 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đăng ký làm cơ quan cho vay lại của dự án, cũng như công văn 1844 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị lựa chọn cơ quan cho vay lại của dự án.
Do đó, để có cơ sở xác định điều kiện cho vay lại phần vốn vay nước ngoài cho dự án, trước mắt đối với giai đoạn 1 của dự án, theo quy định tại Nghị định số 78 về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, Bộ Tài chính thống nhất để SHB là cơ quan cho vay lại của dự án (với điểm nhấn là cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng).
Vậy nên, Bộ Tài chính đề nghị ngân hàng này thẩm định năng lực tài chính và khả năng trả nợ của các Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung và miền Nam; thẩm định phương án tài chính của dự án. Qua đó báo cáo Bộ Tài chính về kết quả thẩm định và điều kiện cho vay lại của các rổng công ty điện này, nếu qua thẩm định cho thấy các tổng công ty đủ điều kiện là người vay lại theo quy định tại Điều 24 Luật Quản lý nợ công.
Bộ Tài chính cũng đề nghị SHB đồng thời thẩm định năng lực tài chính, khả năng trả nợ của EVN để trong trường hợp sau khi được thẩm định, nếu các tổng công ty điện nêu trên không đủ điều kiệm tham gia, Bộ có thể trình Chính phủ xem xét cho EVN vay lại trực tiếp hoặc bảo lãnh cho các tổng công ty vay lại vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức.
Theo lưu ý của Bộ Tài chính, báo cáo thẩm định của SHB cần gửi lại Bộ trước ngày 15/7/2016.
Được biết, các mục tiêu của Chính phủ phát triển kinh tế - xã hội được đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011 - 2020 của các tỉnh, thành phố góp phần đảm bảo cho phát triển cân đối hài hòa mang tính đồng bộ giữa phát triển nguồn và lưới điện cung cấp cho phụ tải với chất lượng điện tốt nhất, tin cậy, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của các tỉnh, thành phố.
Việc đầu tư vào các tiểu dự án thuộc Dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn và Dự án Giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện (các dự án EVN đang thực hiện do Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ) chính là để góp phần thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực của các địa phương.
Với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện trung bình của Việt Nam ở mức khoảng 13,5%/năm trong thập kỷ qua, nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp điện, ngành điện đã và đang phải nỗ lực triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo, duy trì và vận hành cơ sở hạ tầng nguồn điện, hệ thống truyền tải và phân phối điện.
An Hạ