Ngân hàng chưa sòng phẳng với nợ xấu

Việc PVL phải chấp nhận lỗ (theo công bố của PVL), hạ giá bán căn hộ để kịp trả nợ ngân hàng mới đây như một lát cắt điển hình cho thấy các doanh nghiệp bất động sản đang khốn đốn trong vòng vây nợ, tiềm ẩn nguy cơ tạo nợ xấu cho ngân hàng.

Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng ACB, ước tính toàn hệ thống ngân hàng, nợ xấu phát sinh từ thị trường xây dựng và bất động sản chiếm khoảng 75 – 80% tổng nợ xấu.

 

Nợ xấu tăng

 

Nợ xấu ngân hàng tăng mạnh trong chín tháng đầu năm, từ ngân hàng nổi tiếng khó tính trong xét cho vay như ACB nợ xấu cũng tăng đột biến từ 0,1% đầu năm lên 1%, trong đó nợ xấu của doanh nghiệp tăng cao nhiều lần so với nợ cá nhân.

 

Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đang ở mức 3,9% và được cho là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần.

 

Các ngân hàng coi nợ xấu tăng cao trong chín tháng đầu năm là hiển nhiên và không thể tránh khỏi, bởi bất ổn kinh tế và lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân. Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy những món nợ xấu tăng bất thường cùng với những khoản trích dự phòng tăng gấp đôi, gấp ba cùng kỳ năm ngoái.

 

Hơn ai hết, ngân hàng Nhà nước hiểu rủi ro nợ xấu ở ngân hàng đang ở mức độ nào. Đó là lý do cơ quan này thời gian gần đây liên tục đòi hỏi ngân hàng thương mại phải báo cáo dư nợ tín dụng bất động sản, giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất về 16% cuối năm… Theo thống kê, từ đầu năm đến nay tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng liên tục tăng, từ mức 2,53% của tháng 8 năm ngoái lên 3,2% tháng 8 năm nay. Nhưng con số này không thuyết phục được giới tài chính và các chuyên gia kinh tế. Bởi việc các ngân hàng không áp dụng cùng một chuẩn mực kiểm toán quốc tế sẽ khiến các đánh giá căn cứ trên các con số thiếu chuẩn xác và minh bạch.

 

Vietcombank, ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần, cũng phân trần rằng, đã có sự khác biệt trong áp dụng chuẩn mực kiểm toán nợ xấu. “Nguyên do cơ bản là Vietcombank đã và đang áp dụng một chuẩn mực kiểm toán quốc tế vào đánh giá tỷ lệ nợ xấu. Thực tế là Vietcombank cố gắng đưa ra các con số trung thực, công khai và minh bạch trước các khách hàng, doanh nghiệp, các nhà đầu tư”, ông Nguyễn Văn Tuân, phó tổng giám đốc Vietcombank cho hay.

 

Hiện nay nhiều ngân hàng cho gia hạn nợ thêm mười ngày, nửa tháng, bởi nợ gia hạn không phải tính vào nhóm nợ xấu. Ở Vietcombank, ông Tuân cho biết, ngay khi sức khoẻ doanh nghiệp có dấu hiệu đi xuống, đã xếp vào hạng mức nợ xấu. Đó cũng là lý do vì sao nhóm nợ cần chú ý (chứ chưa phải là nợ xấu) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ của Vietcombank.

 

Theo ông Lý Xuân Hải, dù ngân hàng cầm trong tay tài sản thế chấp là sổ tiết kiệm của khách hàng, nhưng nợ xấu phát sinh ngay khi dòng tiền trả nợ có vấn đề, chứ không đợi đến khi không thu hồi được nợ nữa.

 

Sao không muốn chữa bệnh?

 

Nhưng tại sao biết bệnh mà không muốn chữa? Theo ông Lý Xuân Hải, có ba lý do chính.

 

Thứ nhất, sức ép áp dụng chuẩn mực quốc tế hầu như không có, trong khi quyết định 493 về quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng xử lý rủi ro tín dụng đã lỗi thời.

 

Thứ hai, ngân hàng phải có sự đầu tư tiền bạc và một hệ thống con người quản trị nợ xấu thật sự, không đơn giản là những con số cộng dồn.

 

Quan trọng hơn, nhiều tổ chức không dám áp dụng vì sợ lòi ra bệnh vốn đã “ủ” bấy lâu nay. “Làm theo chuẩn mực quốc tế không có nghĩa là hoàn toàn an toàn, bởi thế giới cũng xảy ra bao vụ đổ vỡ tín dụng, nhưng ít nhất có thể giảm được rủi ro so với cách làm hiện nay”, ông nói.

 

Theo ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc ngân hàng Eximbank, thị trường bất động sản Việt Nam chưa có những sản phẩm phái sinh, không có biến tướng, nợ xấu bất động sản tuy tăng nhưng chưa đến nỗi mất trắng.

 

Hiện nay, các ngân hàng bắt đầu siết tài sản thế chấp. Nhưng chất lượng tài sản thế chấp cũng xấu đi nhiều. Bất động sản đóng băng vì thị trường không có, máy móc mua 100 đồng bán được vài đồng là may, đầu tư mất giá… Việc thanh lý nợ xấu không phải chỉ một sớm một chiều, nhất là khi đòi hỏi tái cơ cấu ngân hàng ngày càng mạnh mẽ để đem lại một hệ thống tài chính khoẻ mạnh hơn.

 

Vì vậy, ứng xử của ngân hàng đối với nợ xấu hiện nay là quan trọng. Dù ở lựa chọn nào, thì ngân hàng cũng phải đặt niềm tin của người tiêu dùng – khách hàng của mình lên trên cùng. Bởi không như những doanh nghiệp khác, ngân hàng kinh doanh tiền, cũng là kinh doanh lòng tin của người tiêu dùng. Một khi họ biết ngân hàng dùng tiền của họ cho vay bừa bãi, thì cho dù có tái cơ cấu thành công, họ cũng không muốn bước chân vào.

 

Theo Hồng Sương
SGTT