1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngân hàng chê tiền USD

Sau động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), USD lập tức giảm giá mạnh khiến một số ngân hàng chê ngoại tệ này.

Mặc dù Ngân hàng (NH) Nhà nước Việt Nam (SBV) đã công bố việc mua ngoại tệ, nhưng tình trạng dư thừa USD tại các NH thương mại vẫn đang diễn ra và có xu hướng trầm trọng hơn khi FED cắt giảm 0,5% lãi suất.

Tỉ giá hối đoái USD ngày càng giảm. Ngày 1-2, NH Ngoại thương niêm yết 1 USD chỉ đổi được 15.968 đồng, giảm 2 đồng/USD so với hôm trước.

Bên mua và bán đều thiệt hại

Sáng 1/2, ông Võ Văn Hùng (Việt kiều Canada) đến một NH tại TPHCM đề nghị đổi 50.000 USD. Nhân viên tại đây từ chối và đưa ra lý do NH tạm ngưng mua vào ngoại tệ này với số lượng lớn.

“Tôi đành phải ra ngoài đổi dù tỉ giá có thấp hơn tỉ giá của NH. Đây là lần đầu tiên tôi thấy USD bị chê!” - anh Hùng nói.

Chị Mai Phương nhận tiền thanh toán hàng hóa bằng USD qua NH nhưng sau 4 ngày thủ tục mới hoàn tất, khi đó tỉ giá USD/VNĐ giảm khiến chị thiệt hại.

Vì tại thời điểm giao dịch, giá USD là 15.984 đồng/USD. Khi lấy được tiền thì USD chỉ còn 15.968 đồng/USD (ngày 1/2). Cứ đà này thì không ít đơn vị nhận thanh toán tiền hàng hóa bằng ngoại tệ không mặn mà với USD.

Ông Bùi Trung Dũng, Tổng Giám đốc NH Đông Nam Á (SeABank), cho biết hiện nay nhu cầu bán ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp quá lớn. Hầu hết các NH không muốn thu vào USD. Trong trong bối cảnh USD mất giá dài hạn, NH có mua giá thấp cũng lỗ.

Ngày 29/1, ban giám đốc SeABank phải họp 2 lần để quyết định giá mua - bán ngoại tệ, vì đầu giờ sáng NH đã mua vào một lượng lớn USD với giá 15.980 đồng/USD nhưng đến chiều đã giảm 7 đồng/USD, khiến mảng kinh doanh ngoại tệ khó khăn.

Một số NH cho biết, trung bình mỗi ngày các NH mua vào khoảng 2-3 triệu USD nên lượng USD “ứ đọng” USD là rất lớn.

NH tiến thoái lưỡng nan

Hiện nay lãi suất của FED chỉ còn 3%/năm, trong khi các NH huy động USD với lãi suất 4,5% - 5%/năm. Điều này làm lượng ngoại tệ của NH gửi tại NH nước ngoài giảm lời.

Mặt khác, các doanh nghiệp chỉ vay USD khi thực sự có nhu cầu thanh toán và phần lớn đều đã chuyển sang vay tiền đồng. Cũng theo ông Dũng, các NH đang xem xét điều chỉnh lãi suất huy động USD trong thời gian tới.

Phần lớn các NH cho biết sẽ giảm lãi suất USD phù hợp với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Tuy nhiên, NH đang đứng trước tình thế rất khó. Nếu NH giảm lãi suất thì có nguy cơ mất thị phần ngay khi USD hồi phục.

Trường hợp không giảm lãi suất USD thì chênh lệch đầu vào và đầu ra quá lớn, kinh doanh USD mất hiệu quả. Đặc biệt, từ tháng 2/2008 tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi USD tăng lên 1% khiến chi phí của NH càng tăng lên tương ứng.

Theo các chuyên gia kinh tế, USD chỉ phục hồi khi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu hồi phục. Thế nhưng, kinh tế của quốc gia này phải mất thời gian khá dài mới lấy lại “phong độ”. Hiện nhiều người đã dùng vàng làm kênh đầu tư chính thay cho USD.

Đồng thời, giá vàng tăng cao khiến người dân không giữ USD, mua vàng tích trữ. Như vậy vô tình làm cho tỉ giá USD/ VNĐ tiếp tục giảm. Nhà đầu tư nên chọn cách chuyển đổi USD sang ngoại tệ khác hoặc xoay qua các kênh đầu tư đang tăng trọng hiện nay.

Quỳnh Chi - Thy Thơ
Báo Người lao động