Ngân hàng Bản Việt sẽ giảm mạnh tỉ lệ sở hữu của cổ đông cá nhân

(Dân trí) - Nếu như tại Điều lệ cũ, cổ đông cá nhân được sở hữu tối đa 15% vốn điều lệ thì theo quy định mới, tỷ lệ này giảm còn 5%. Điều lệ mới dự kiến được thông qua tại ĐHCĐ bất thường vào 10 ngày tới.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) vừa có thông báo về việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua dự thảo điều lệ sửa đổi vào ngày 27/9/2012 sắp tới.

Theo dự thảo điều lệ sửa đổi, Tổng giám đốc sẽ là người đại diện theo pháp luật của ngân hàng. Trước đó, vào ngày 20/6, Bản Việt đã đăng tải thông báo về việc thay đổi tên người đại diện theo pháp luật. Theo đó, người đại diện pháp luật mới của Bản Việt là ông Đỗ Duy Hưng - Tổng Giám đốc.

Ông Hưng là Tổng Giám đốc của Ngân hàng Bản Việt từ trước khi ngân hàng này đổi tên từ Ngân hàng Gia Định, hiện ông còn giữ vai trò là Thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng. Trước đó, ông giữ chức Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Gia Định và đã từng làm việc tại công ty cho thuê tài chính Sacombank và Công ty cho thuế tài chính II - NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Theo điều lệ mới, Ngân hàng Bản Việt sẽ tham gia ngành bất động sản trong một số trường hợp
Theo điều lệ mới, Ngân hàng Bản Việt sẽ tham gia ngành bất động sản trong một số trường hợp

Tại điều 14 của điều lệ cũ, ngân hàng Bản Việt không được phép trực tiếp kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, theo dự thảo điều lệ sửa đổi, sẽ có một số ngoại lệ dành cho ngân hàng trong mảng hoạt động kinh doanh này.

Cụ thể, Bản Việt được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng.

Đồng thời, được phép cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, thuộc sở hữu của ngân hàng; nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay.

Điều 20 của Điều lệ sửa đổi tài điều 17 của Dự thảo quy định, một cổ đông cá nhân được sở hữu tối đa 5% vốn điều lệ so mức 15% quy định trước đó. Trong khi  một cổ đông là tổ chức được sở hữu tối đa 15% vốn điều lệ, cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó được sở hữu tối đa 20% - các tỉ lệ này đều giảm so quy định của điều lệ cũ là 30%.

Ngoài ra, về việc chuyển nhượng cổ phần, điều lệ mới cũng quy định, đối với chuyển nhượng cổ phần lớn, chuyển nhượng cổ phần dẫn đến cổ đông lớn trở thành cổ đông thường và ngược lại buộc sẽ phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

Nếu điều lệ cũ không có điều quản quy định chi tiết về việc mua lại cổ phần thì Điều lệ mới có quy định, ngân hàng có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán ra, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán.

Điều lệ mới cũng bổ sung việc thừa kế cổ phần, song nêu rõ, người thừa kế cổ phần của các thành viên Hội đông quản trị, Ban Kiểm soát và người quản lý khác được sở hữu cổ phần nhưng không được thừa kế quyền làm thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát và các chức danh quản lý tương ứng.

Tại đại hội cổ đông bất thường sắp tới, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% cổ phần phổ thông liên tục từ 6 tháng trở lên có quyền kiến nghị các vấn đề nghị sự của Đại hội.

Mai Chi