Ngân hàng bán tháo các dự án thu hồi nợ

Các loại bất động sản phát mại thì thường có rắc rối về thủ tục pháp lý, thời gian hoàn tất thủ tục kéo dài nên người mua không mấy mặn mà.

Đủ loại sản phẩm bất động sản, từ thấp đến cao cấp đang được các ngân hàng ra sức phát mại. Thế nhưng các sản phẩm này hiện rất khó giao dịch.

Hàng khủng cũng “sale off”

Ngày 28-11, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín đăng báo phát mại tài sản đảm bảo hai lô đất ở quận 6 (TP.HCM) trị giá gần 8 tỉ đồng. Mục đích để thu hồi nợ từ các khoản vay của một cá nhân.

Trước đó một loạt cao ốc văn phòng, khách sạn 2, 3 sao… được các ngân hàng đăng tin rao bán. Có dự án căn hộ đã xong phần móng ở Thủ Đức cũng được rao.

Luật sư Lưu Trường Hận, Trưởng phòng Pháp chế Ngân hàng Phương Đông, cho biết sở dĩ lúc này ngân hàng phát mại bất động sản nhiều vì các khoản vay của khách hàng thường rơi vào dịp giáp tết và đến nay đã đến hạn. Mặt khác, cuối năm là thời điểm các ngân hàng phải hoàn tất thu nợ để tính toán lợi nhuận, báo cáo tài chính… cộng thêm phần nợ xấu đang gánh chủ yếu liên quan đến bất động sản thế chấp.

Tương tự, trưởng phòng Pháp chế một ngân hàng thương mại khác có trụ sở tại TP.HCM bật mí sở dĩ năm nay tài sản thế chấp là khách sạn, văn phòng cho thuê… rơi vào dạng phát mại vì người vay không có phương án trả nợ.

Ngân hàng bán tháo các dự án thu hồi nợ
Một khi sản phẩm được ngân hàng đưa ra phát mại thì giá trị bán ngoài thị trường của nó không còn rẻ như nhiều người nghĩ. Ảnh: M.Thảo

“Lâu nay, ngân hàng phát mại tài sản thế chấp đa số là của khách hàng cá nhân. Còn các dạng khách hàng lớn nợ nhiều như dự án thì ngân hàng cho cơ cấu lại nợ hoặc gia hạn chứ ít phát mại. Bởi lẽ nếu có lấy sản phẩm về thì ngân hàng cũng không bán ra được, mà có bán thì cũng không thể bán giỏi như công ty bất động sản” - ông này cho biết.

Ý kiến này tương đồng với sự ghi nhận thông tin từ các ngân hàng, khối tài sản đem phát mại thường là của khách hàng cá nhân. Do người vay không có phương án trả nợ khả thi nên ngân hàng đem ra bán đấu giá hoặc cho khách hàng tự bán sản phẩm của mình. Giá cả do khách hàng và ngân hàng thỏa thuận với nhau.

“Lúc này mà phát mại thành công thì ngân hàng và khách hàng đều vui. Khách hàng đỡ phải chịu lãi phạt 150% đối với khoản nợ quá hạn còn ngân hàng thì thu hồi được vốn và lãi” - luật sư Lưu Trường Hận cho biết.

Ế chỏng chơ!

Dù ngân hàng đang phát mại nhiều sản phẩm bất động sản nhưng theo phản hồi từ các sàn giao dịch, loại sản phẩm này đang bị chê.

Ông Ngô Xuân Lộc, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Techcomreal, cho biết thoạt đầu người dân tưởng bất động sản phát mại là giá rẻ. Sau khi tiếp xúc mới biết giá các loại này không rẻ chút nào. “Nếu một bất động sản được ngân hàng phát mại thì đương nhiên trong nội bộ ngân hàng sẽ thông tin cho nhau trước, sau đó đến lượt những người thân của nhân viên ngân hàng tiếp cận giá” - ông Lộc cho biết.

Mặt khác, một khi sản phẩm được đưa ra phát mại thì giá bán ngoài thị trường của nó không còn rẻ như nhiều người nghĩ nữa. Hơn nữa, các loại bất động sản phát mại thì thường có rắc rối về thủ tục pháp lý, thời gian hoàn tất thủ tục kéo dài nên người mua không mấy mặn mà. Chưa kể các sản phẩm bất động sản mà ngân hàng bán tháo ra thường có giá trị lớn nên không phải ai mua cũng được.

Mới đây, dân môi giới bất động sản xôn xao một dự án bất động sản ở quận Tân Bình tưởng chết vì thiếu vốn thì lại được cứu sống. Lý do là một ngân hàng đã tiếp tục đổ tiền vào mua dưới dạng hợp tác.

Ông Phùng Văn Năng, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Nam Việt, bình luận ngân hàng này đã đổ vốn cho dự án trên vay ban đầu nên bây giờ phải theo lao. “Họ (ngân hàng) phải bỏ tiền vào tiếp để chủ đầu tư xây dựng hoàn thiện sản phẩm, lúc đó mới bán ra thu hồi vốn và lãi về chứ!” - vị này nói.

Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản ở quận 3 (TP.HCM) tiết lộ nếu người dân muốn mua bất động sản phát mại giá rẻ thì chỉ có cách liên hệ trực tiếp với người có tài sản phát mại đó. Nhưng cũng theo ông, “việc này khá là hi hữu vì không phải ai cũng biết người nào có tài sản bị ngân hàng phát mại đâu!”.

Theo Văn bản số 7789/NHNN-TTGSNH (do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 27-11), ngay trong năm 2012, chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, tổng giám đốc các ngân hàng phải rà soát, đánh giá lại khả năng phát mại của tài sản bảo đảm, giá trị thị trường của tài sản bảo đảm để xác định hợp lý giá trị và tỉ lệ khấu trừ của loại tài sản này, trích lập tối đa dự phòng rủi ro, tạo nguồn để xử lý nợ xấu ngay trong năm 2012.
 
Theo Bùi Nhơn
Pháp luật TP.HCM