Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa:

"Nếu tôi là ông Võ Kim Cự, tôi sẽ nói lời xin lỗi"

(Dân trí) - Về những trả lời của ông Võ Kim Cự quanh trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, trách nhiệm cá nhân của ông này với việc cấp phép dự án Formosa Hà Tĩnh, trả lời Dân trí sáng nay (26/7), luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, ông Cự nên xin lỗi nhân dân và cơ quan lãnh đạo cấp cao cần có quy trình xem xét trách nhiệm của ông này


Ông Trương Trọng Nghĩa: Nếu tôi là ông Cự, tôi sẽ xin lỗi...

Ông Trương Trọng Nghĩa: "Nếu tôi là ông Cự, tôi sẽ xin lỗi..."

Phải bắt đầu quy trình xem xét trách nhiệm với ông Cự

Thưa ông, về những phát biểu trả lời báo chí hôm qua (25/7) của ông Võ Kim Cự, về trách nhiệm của ông này với việc cấp phép dự án FMS, ông có bình luận gì ?

- Ông Cự là cán bộ cao cấp và ở Việt Nam thì với cán bộ cao cấp, quản lý thì do cơ quan Đảng, Nhà nước. Do đó, xem xét trách nhiệm của ông Cự phải xem xét cả 2 kênh đó. Với kênh bên Đảng thì thường sẽ xem xét trước một bước. Theo tôi, để xem xét trách nhiệm của ông Cự với vấn đề Formosa thì cách làm nên làm như với ông Trịnh Xuân Thanh. Về phía các cơ quan lãnh đạo của Đảng như Ủy ban kiểm tra Trung ương nên xem xét trách hiệm cụ thể đó.

Theo tôi việc này nên làm cho rõ ràng để xem có sai phạm hay không và nếu có thì sai phạm đến đâu, nó có ảnh hưởng đến các cương vị hiện tại của ông Cự. Và cũng không nên chậm trễ vì nó có thể gây ra những dư luận nhất định, bất lợi.

Ông Võ Kim Cự có nói rằng, dự án FMS thì được nhiều bộ, ngành đồng thuận triển khai và việc nâng thời hạn cấp phép hoạt động cho FMS từ 50 năm lên 70 năm là đã được Chính phủ cho phép. Trong khi, Thanh tra Chính phủ cho rằng, nói vậy là "lấp liếm" vì việc nâng lên 70 năm là chỉ khi Chính phủ đã phát hiện ra và sau này phải chấp nhận việc đã rồi. Về điều này, với góc độ là luật sư khá am tường về các quy định về quản lý kinh tế, ông thấy thế nào ?

-Theo tôi biết, cái thời hạn 50 năm hay 70 năm đó là rất khác nhau. Pháp luật của chúng ta, nhất là pháp luật về đầu tư nước ngoài, 70 năm là trường hợp đặc biệt và hiếm hoi. Nên ngay cả khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng phải có hồ sơ đầy đủ và có sự tư vấn đầy đủ của các bộ, ngành. Với các dự án đặc biệt quan trọng như dự án về điện hạt nhân là Thủ tướng cũng phải trao đổi với lãnh đạo Đảng và Nhà nước khác nữa. Cho nên luật mới quy định tất cả các dự án đầu tư đều có thời hạn cấp phép là 50 năm.

Trường hợp 70 năm không đơn giản là Thủ tướng gật đầu ngay được mà phải có quá trình xem xét rồi mới quyết định. Do đó, nếu tỉnh mà tự động cấp 70 năm thì không thể bào chữa được. Cái đó là sai rồi. Còn sau này, nếu Thủ tướng xem xét chấp nhận lên 70 năm thì điều đó không có nghĩa việc cấp trên 50 năm, làm quá quyền hạn của mình là không có sai.

Với thảm hoạ gây ô nhiễm mà FMS đã gây ra rất nghiêm trọng nhưng vừa qua, ông Võ Kim Cự vẫn được bổ nhiệm qua nhiều chức vụ mới: Đại biểu Quốc hội, thành viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội..thì với dư luận, nó có gây ra sự thất vọng, mất niềm tin lớn trong người dân hay không?

-Vừa qua vẫn chưa có khởi động một quy trình xem xét trách nhiệm của ông Cự thì tuy người dân phản ánh, cử tri phản ánh, các ý kiến các cán bộ, công chức nhà nước có ý kiến, để có đánh giá đầy đủ thì phải có quy trình xem xét như tôi nói ở trên. Ví dụ trong trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh phải có quy trình xem xét để qua đó xem có sai phạm hay không, sai phạm nhiều hay ít, phải xử lý thế nào, có ảnh hưởng đến các cương vị hiện tại của ông Cự hay không. Còn bây giờ chưa có quy trình ấy thì chúng ta chưa thể nói gì về ông Cự được và ông ấy vẫn có quyền hoạt động bình thường trên cương vị hiện có.

Nếu ông đặt mình vào vị trí như ông Võ Kim Cự ở thời điểm này, ông sẽ làm thế nào ?

-Tôi sẽ xin lỗi!

Cán bộ là Đảng viên thì phải có trách nhiệm cao hơn với đất nước

Có vẻ như theo cách nói của ông Võ Kim Cự thì việc cấp phép cho FHS là trách nhiệm tập thể, trách nhiệm chung của các bộ, ngành đã đồng ý triển khai dự án?

-Tôi nghĩ thế này, một là quy định của chúng ta có sơ hở thì cũng không thể trách những người lãnh đạo đã làm đúng quy định, quy trình. Nhưng ngược lại, cũng phải thấy, những người lãnh đạo cao cấp hiện nay cũng là Đảng viên, ngoài trách nhiệm công dân, trách nhiệm của cán bộ, công chức thì họ còn có trách nhiệm của người Đảng viên. Thì những quy trình, quy định còn sơ hở mà họ nhận thấy có thể gây thiệt hại cho nhân dân, cho đất nước thì tự người ta phải chủ động kiến nghị bổ sung, sửa đổi thậm chí phải bác bỏ, từ chối những dự án tuy về quy trình là đúng nhưng nó có hại. Cán bộ cấp dưới thì có thể nói tôi không biết gì nhưng với cán bộ cao cấp thì cán bộ, Đảng viên phải có trách nhiệm cao hơn với nhân dân và đất nước.

Theo ông thì có bộ, ngành nào phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc cấp phép cho dự án này ?

-Tôi rất chú ý bài phát biểu của ông Chủ tịch Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc trong đó có câu: Phải xem xét lại trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cấp phép, quản lý và giám sát Công ty FHS vừa rồi. Tôi cũng cho rằng, thiệt hại gây ra to như thế thì phải xem xét trách nhiệm. Bởi vì, một cây cầu gãy, một nhà cháy đã phải xem xét trách nhiệm rồi thì thiệt hại do FHS gây ra lớn như thế thì phải xem xét trách nhiệm thì bây giờ phải tiến hành ngay. Bên các cơ quan Đảng, Chính phủ cũng phải xem xét việc đó và Quốc hội giám sát việc đó.

Theo ông sau đây thì Chính phủ phải xem xét lại chính sách phân cấp đầu tư cho các tỉnh thế nào cho chặt chẽ ? Với Hà Tĩnh, rõ ràng qui mô một dự án như vậy đã vượt quá năng lực quản lý của một địa phương như vậy?

-Hiện nay có vấn đề là chính sách của chúng ta lúc thì tả, lúc thì hữu. Thì cũng đúng thôi vì trong thời kỳ đầu thu hút đầu tư chúng ta phải siết, quy định cho chặt chẽ vì lúc đó còn thiếu kinh nghiệm. Nhưng sau đó, lại buông quá nhiều cho các địa phương. Đã đến lúc chúng ta phải chỉnh sửa lại, nhất là khi Việt Nam đã có quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên 20 năm rồi. Và nền kinh tế của ta đã phát triển ở mức độ không còn như xưa, đạt mức thu nhập trung bình rồi.

Thứ nhất về chính sách thu hút đầu tư cũng phải xem xét lại. Dứt khoát không chấp nhận các dự án đầu tư gây ô nhiễm. Xét lại vấn đề phân cấp. Cái này nằm trong tầm tay vì vavs cơ quan quản lý nhà nước hiện nay đều biết được là dự án nào thì tỉnh quyết 100%. Có dự án tuy qui mô nhỏ thôi nhưng lại gây ô nhiễm như có chất phóng xạ hay có yếu tố về an ninh, quốc phòng thì cơ quan trung ương phải xem xét. Tỉnh có thể thu hút đầu tư nhưng việc xét duyệt các dự án như vậy phải do bộ, ngành trung ương làm. Tôi cho là phải sửa đổi lại pháp luật về đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn này trước những sự việc đáng báo động như vụ Fomosa.

Nhiều tỉnh thành, lãnh đạo đã không thoát khỏi sự cám dỗ của cái gọi là tăng trưởng GDP thuần tuý. Cho nên, nhiều người đã có những sơ hở trong xét duyệt dự án, không xuất phát từ lợi ích dài hạn, bền vững của quốc gia mà chỉ chạy theo thành tích của nhiệm kỳ nhất định. Theo tôi cũng nên chấm dứt việc tăng trưởng GDP thuần tuý đó làm đánh giá thành tích, năng lực cán bộ địa phương. Nhiêu chuyên gia trong nước đã có nhiều phân tích, cảnh báo từ hơn 10 năm nay rồi. Thành tích phát triển không thể chỉ dựa trên con số tăng trưởng GDP 5, 7 hay 10%. Bởi nếu giá cho tăng trưởng đó là môi trường thì sau này cũng phải lấy tiền để khắc phục chưa kể những thất thoát về tài nguyên.

Xin trân trọng cảm ơn ông

Mạnh Quân