Nếu "đại gia thủy sản" vỡ nợ, dân nuôi cá thiệt nặng nhất

(Dân trí) - Chiều 27/3, ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Hiện nay có nhiều số liệu liên quan các khoản nợ của Bianfishco. Tuy nhiên, UBND TP sẽ chịu trách nhiệm về con số đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Võ Thành Thống vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là tư cách pháp nhân của ông Trần Văn Trí chưa được công nhận. Vì vậy bà Diệu Hiền cần phải có ủy quyền hợp pháp qua cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để ông Trí có tư cách pháp nhân thực hiện các giao dịch tài chính và các vấn đề khác. Đồng thời Công ty phải tiến hành đại hội cổ đông, nếu chưa đến định kỳ thì tổ chức đại hội cổ đông bất thường, nếu đến định kỳ thì tổ chức đại hội thường niên.
 
Nếu đại gia thủy sản vỡ nợ, dân nuôi cá thiệt nặng nhất
Nếu Bianfishco phá sản thì nông dân bán cá là người chịu thiệt thòi nhiều nhất
 
"UBND TP Cần Thơ sẽ làm trung gian giúp Bianfishco vượt qua khó khăn, nếu để Bianfish vỡ nợ dẫn đến phá sản thì người nông dân nuôi cá là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Vì luật phá sản phá sản quy định: Các vấn đề liên quan đến quyền lợi của công nhân được ưu tiên trước rồi đến các khỏan nợ nhà nuớc, tiếp theo là các loại tài sản có thế chấp và nông dân bán cá là được giải quyết sau cùng, vì nông dân bán cá không có thế chấp mà chỉ có hợp đồng mua bán", ông Thống nói.

Cũng theo ông Thống, trong tuần này UBNDTP Cần Thơ sẽ tổ chức một cuộc họp báo để thông tin tới báo chí những vấn đề liên quan đến Bianfishco.

Để giải quyết tình hình nợ nần, Bianfishco đưa ra ba phương án: Phương án 1, một số nhà đầu tư và hai ngân hàng đã đồng ý đứng ra nhận trách nhiệm trả nợ tiền mua cá cho dân và mua nguyên liệu hoạt động sản xuất vào tháng 4 này cùng với sự đồng thuận và vai trò trung gian của UBND TP Cần Thơ.

 Phương án 2, bán những tài sản riêng để trả nợ (đất ở Nguyễn văn Trỗi, TP Hồ Chí Minh), ở Cần Thơ, Sóc Trăng và cổ phần tịa Bianfishco; đồng thời lấy tiền trả cho Ngân hàng ACB để lấy tài sản ra vay ngân hàng khác vì hiện này Bianfishco chỉ vay Ngân hàng ACB 61 tỉ đồng nhưng thế chấp khối tài sản có giá trị hơn 500 tỉ đồng.

 Phương án 3, giãn thời gian trả nợ ngân hàng thêm 3 năm (đến tháng 3.2015); tạm ngừng trả nợ gốc trong vòng 24 tháng; ngừng phát sinh lãi và trả lãi cho đến 01.4.2014;  tái cơ cấu các khoản nợ, cung cấp thêm vốn để Bianfishco đi vào sản xuất...

 Đối với 3 phương án trả nợ do ông Trần Văn Trí trình bày, đến nay UBND thành phố Cần Thơ vẫn chưa lựa chọn phương án nào vì vẫn phải chờ kết quả kiểm toán tài chính năm 2011 của Bianfishco đến cuối tháng 3/2012.
Nếu đại gia thủy sản vỡ nợ, dân nuôi cá thiệt nặng nhất
Đến chiều 27/3 công nhân của Bianfishco vẫn chưa có việc làm
 
 Liên quan đến tình hình việc làm của công nhân, ông Huỳnh Văn Tuấn - Chủ tịch công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, cho biết: hiện tại công nhân của Bianfishco vẫn tiếp tục được cho nghỉ cho đến ngày 2/4.
 

Công ty cổ phần... gia đình?

Trong thời gian qua nhiều người đặt vấn đề Bianfishco là một Công ty cổ phần với 103 cổ đông, vậy vai trò của các cổ đông, các thành viên HĐQT và Ban Giám đốc thể hiện như thế nào? Qua các diễn biến gần đây, có thể thấy ngoài bà Phạm Thị Diệu Hiền vừa là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bianfishco, vai trò của (các) Phó Chủ tịch hay Phó Tổng Giám đốc mờ nhạt đến bí ẩn. Khi bà này xuất ngoại, được cho là đi chữa bệnh ung thư, cũng không ủy quyền cho người giữ chức danh sẵn có mà ủy quyền cho chồng là ông Trần Văn Trí, vốn là một quan chức địa phương và vừa tiếp nhận 2% cổ phần sáng lập từ tay con trai. Đến nay, việc ủy quyền này vẫn không được cơ quan chức năng thừa nhận vì chưa có cơ sở pháp lý.

Ngày 27/3, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Phương - Trưởng phòng đăng ký kinh doanh Sở kế hoạch - Đầu tư TP Cần Thơ, ông Phương cho biết, thủ tục đăng ký kinh doanh không yêu cầu công ty báo cáo chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, chức danh này (nếu có) là do các cổ đông bầu và Công ty quản lý danh sách cổ đông, sở kế hoạch không quản lý việc này.

 
Phạm Tâm