Nén nhang Phụng Nghi và cảm nhận tinh hoa văn hóa Việt
Không phải ngẫu nhiên mà hương nhang Phụng Nghi lại được các nhà sử học: GS. Lê Văn Lan, Dương Trung Quốc, GS. Vũ Khiêu … dành những lời khen ngợi rất quý giá trên từng sản phẩm hương. Bởi mỗi nén nhang đã ẩn chứa nhiều nét văn hóa truyền thống Việt Nam.
Mỗi cái tên hương nhang cũng là cả sự thâm trầm triết lý sâu xa. Ví dụ: Hồng Phúc Xuân Thiên (Phúc lớn trong tiết Xuân), Niên Niên Dư Dư (mỗi năm đều dư dả thêm - ước mơ về sự no ấm, sung túc), Phúc An (Phúc Đức và Bình An - đi kèm hình ảnh là tranh dân gian về tích cổ sự sum họp đoàn viên của Thúy Kiều cùng Kim Trọng, Thúy Vân và gia đình - ý nói Bình An trở lại), Khang Ninh (May mắn và An lành - đi kèm hình ảnh là tích cổ Tống Trân Cúc Hoa - cả hai người cùng đỗ đạt, sóng gió cuộc đời đã qua đi- gia đình gặp May mắn trở nên An bình)…
Với triết lý kinh doanh có đạo đức, tinh thần chính trực, nhang Phụng Nghi đã đến với người tiêu dùng, đến được nơi linh thiêng, cửa Phật trên cả nước như: lăng mộ Bố Cái Đại Vương, lăng Bác Hồ, nghĩa trang Trường Sơn, đình Ứng Thiên, Văn Miếu Quốc Tử Giám, chùa Quán Sứ, chùa Hương, chùa Keo, khu di tích Yên Tử, Đền Trần, Thăng Long Tứ Trấn, phủ Tây Hồ…
GS Lê Văn Lan đã từng có lời khen ngợi về một tên sản phẩm của Phụng Nghi: “Quốc hương là hương thơm của đất nước Việt Nam. Thu lại từ “Quốc sắc Thiên hương”, đây là những chính phẩm có vẻ đẹp và cái duyên của Mỹ nữ lại có tinh hoa và sự linh diệu của Vũ trụ để tỏa lan khắp không gian văn hóa Quốc gia và Quốc tế”. Quốc hương là một dòng sản phẩm hương của Phụng Nghi mà GS Lê Văn Lan trực tiếp chỉ dạy từ các nét văn hóa, từ văn hóa hương, từ hoa văn, hình ảnh, biểu trưng, câu chủ đề sản phẩm…
“Chính Giáo sư Lê Văn Lan (nhà sử học hàng đầu Việt Nam về thời kỳ Hùng Vương) đã trực tiếp dâng hương Phụng Nghi lên Đền Hùng mà thầy gọi là “hương quý dâng lên Đức Thánh Tổ”. GS Lê Văn Lan đã giúp chúng tôi khơi lại trong dòng chảy văn hóa hôm nay những nét văn hóa dâng hương linh thiêng và tôn kính”, bà Dương Anh cho hay.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đánh giá rất cao sự kiên trì, tỉ mỉ, dù mộc mạc nhưng rất tinh hoa trong mỗi nén hương Phụng Nghi. Theo đó, nhà sử học này còn có ý tưởng dâng hương Phụng Nghi tại các đền chùa ở Trường Sa để thể hiện núi sông biển đảo Việt Nam toàn vẹn liền một dải- mối liên hệ tâm linh tâm hồn Việt giữa đất liền và biển đảo quê hương.
Hiền Phương