Nền kinh tế Trung Quốc năm 2023 sẽ rất khác trước đại dịch
(Dân trí) - Theo CNBC, nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 chắc chắn sẽ khác trước đại dịch, sẽ chuyển từ phụ thuộc vào bất động sản, cơ sở hạ tầng sang nền kinh tế xanh và kỹ thuật số.
Tháng trước, Bắc Kinh đã bất ngờ ngừng nhiều biện pháp phong tỏa và yêu cầu xét nghiệm Covid - thứ vốn đã ảnh hưởng đến nền kinh tế trong 18 tháng qua. Mặc dù các nhà phân tích cảnh báo còn nhiều rào cản để Bắc Kinh mở cửa lại hoàn toàn, song họ hiện kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục sớm hơn dự báo trước đó.
Theo các nhà kinh tế, các yếu tố làm nền tảng cho sự tăng trưởng đó chắc chắn sẽ khác so với 3 năm trước.
Các nhà phân tích tại CICC, ngân hàng đầu tư hàng đầu của Trung Quốc, cho biết mô hình tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đang chuyển từ việc phụ thuộc nhiều vào bất động sản và cơ sở hạ tầng sang cái gọi là nền kinh tế xanh và kỹ thuật số đóng vai trò lớn hơn.
Hạng mục kinh tế số bao gồm thiết bị truyền thông, truyền tải thông tin và phần mềm. Nền kinh tế xanh là các ngành cần đầu tư để giảm lượng khí thải carbon như năng lượng điện, thép và hóa chất và một số ngành khác.
Theo ước tính của CICC, trong 5 năm tới, đầu tư tích lũy vào nền kinh tế kỹ thuật số dự kiến sẽ tăng hơn 7 lần, đạt 77.900 tỷ nhân dân tệ (tương đương 11.130 tỷ USD). Con số này lớn hơn cả khoản đầu tư tích lũy vào bất động sản, cơ sở hạ tầng truyền thống hoặc nền kinh tế xanh. Điều này khiến kỹ thuật số trở thành lĩnh vực lớn nhất trong 4 hạng mục trên, theo báo cáo.
Cũng theo báo cáo, trong năm 2021 và năm 2022, bất động sản là hạng mục đầu tư lớn nhất. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của CICC, đầu tư vào bất động sản trong năm nay đã giảm khoảng 22% so với năm ngoái, trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật số và xanh lần lượt tăng khoảng 24% và 14%.
Về xuất khẩu, năm 2020 và 2021, khi phần lớn thế giới vật lộn với Covid thì Trung Quốc đã nhanh chóng kiểm soát virus, giúp các nhà máy địa phương đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm y tế và điện tử.
Tuy nhiên, hiện nhu cầu đang giảm, nên xuất khẩu của nước này cũng đã bắt đầu đi xuống vào tháng 10, lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020.
Năm tới, theo một báo cáo ngày 16/12 của Goldman Sachs, sự sụt giảm về xuất khẩu ròng của Trung Quốc dự kiến giảm thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm tới. Trong những năm qua, xuất khẩu ròng là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Năm 2021, xuất khẩu ròng đóng góp 1,7% vào tăng trưởng GDP nước này, theo các nhà phân tích.
Dù vậy,. theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN lại tăng lên, vượt cả các thị trường như Mỹ, EU.
Các nhà phân tích của Citi cho rằng, xuất khẩu sang các nước ASEAN có thể đóng vai trò như một bước đệm nhẹ trước áp lực tại thị trường EU và Mỹ. Họ cho rằng tăng trưởng GDP của các nước ASEAN sẽ hồi phục trong năm 2023, trong khi Mỹ và EU có khả năng rơi vào suy thoái.
Nhà kinh tế Trung Quốc Xiaowen Jin của Citi chỉ ra rằng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc, đặc biệt là xuất khẩu xe điện và các linh kiện liên quan, đã hỗ trợ cho xuất khẩu chung của nước này trong năm nay.
"Xuất khẩu giảm tốc nhanh chóng cũng có nghĩa là Trung Quốc cần khai thác thị trường nội địa để tăng trưởng trong tương lai gần", Hao Zhou, nhà kinh tế trưởng tại Guotai Junan Securities, cho biết trong một báo cáo ngày 15/12.
Theo ông, với việc nới lỏng các hạn chế của Covid, tiêu dùng có thể sẽ phục hồi bền vững và có ý nghĩa từ năm tới. Ông kỳ vọng doanh số bán lẻ sẽ tăng 6,8% trong năm tới và GDP quốc gia này sẽ tăng 4,8%.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cũng nâng dự báo GDP năm 2023 từ 4,5% lên 5,2% do nền kinh tế mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến, trong đó tiêu dùng là động lực chính của tăng trưởng. Tuy nhiên, thu nhập và niềm tin người tiêu dùng cần có thời gian hồi phục.