Nâng cao năng suất hàng hóa chủ lực: Địa phương lợi kép

(Dân trí) - Nhiều địa phương trong cả nước lựa chọn sản phẩm, hàng hóa chủ lực để phát triển, nâng cao năng suất chất lượng. Kết quả là đã có những bước đột phá đáng kể về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

 

Theo ông Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN), phát triển hàng hóa chủ lực là một trong những chiến lược trọng điểm của các địa phương để phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong môi trường kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay. Trên thực tế, rất nhiều địa phương đã và đang thành công trong việc định hướng chiến lược cho sản phẩm, hàng hóa chủ lực.

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, thời gian qua, Bộ KH&CN đã có nhiều chương trình hành động hướng tới mục tiêu đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giúp các doanh nghiệp, địa phương nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm chủ lực. Trong đó, nổi bật là Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" (Chương trình 712).

 

Nâng cao năng suất hàng hóa chủ lực: Địa phương lợi kép - 1

Ông Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN)

"Có hai yếu tố cần đặc biệt chú trọng trong phát triển sản phẩm chủ lực là nâng cao năng suất và chất lượng, giá trị của các sản phẩm này. Về yêu cầu này, tôi đánh giá Chương trình 712 đáp ứng được song song cả hai yếu tố đã nêu khi đã đi sâu vào việc hướng dẫn áp dụng các công cụ cải tiến, hệ thống quản lý tiên tiến, chuẩn hóa các quy trình quản lý, đi sâu từ nội bộ doanh nghiệp để tìm ra những chìa khóa để nâng cao năng suất chất lượng", ông Chu Thúc Đạt cho hay.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, trải qua 8 năm triển khai, Chương trình 712 đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp tiếp cận với các giải pháp nâng cao năng suất, ứng dụng, chuyển giao vận hành các công nghệ mới vào sản xuất. Việc này đã đóng vai trò tích cực trong việc phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, thay đổi nhận thức của những người làm sản xuất, doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng sản phẩm, đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao từ thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang cho biết, trong thời gian qua, tỉnh Bắc Giang rất chú trọng và quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu và nâng cao năng suất chất lượng cho sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Cụ thể, Bắc Giang có 33 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ. 7/8 sản phẩm chủ lực của tỉnh được xây dựng thương hiệu dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Một số sản phẩm tiêu biểu được tỉnh chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, gạo thơm Yên Dũng, sâm Nam núi Dành đang đứng vững trên thị trường.

Tại tỉnh Bình Dương, nghề gốm là nghề thủ công truyền thống lâu đời và được lựa chọn để phát triển thành hàng hóa chủ lực. Sau một thời gian tiếp cận các giải pháp cải tiến, nhiều doanh nghiệp đã đạt được những bước đột phá trong việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm gốm của Bình Dương đến nay đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính, lợi nhuận thu được ngày càng tăng.

Hán Hiển