Nâng cao giá trị sức cạnh tranh của hàng Việt

Trường Thịnh

(Dân trí) - Trước sức ép từ hàng ngoại, ngành công thương đặt mục tiêu phát triển sản xuất gắn với việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá, để nâng cao vị thế và uy tín của hàng hóa sản xuất trong nước.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã bước sang năm thứ 11. Kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện cho thấy, có đến 92% người tiêu dùng Việt Nam rất quan tâm tới cuộc vận động, 67% người tiêu dùng Việt Nam xác định khi mua hàng hóa ưu tiên dùng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, nhiều người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt Nam.

Kết quả này cho thấy, hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định đối với người tiêu dùng. Triển khai các hoạt động của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Bộ Công Thương đã tổ chức chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam 

Đây là một trong các nhiệm vụ thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 và là một trong 4 hoạt động trọng tâm, trọng điểm thuộc các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh năm 2020 của ngành công thương.

Đánh giá về cuộc vận động, Phó Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Phùng Khánh Tài cho hay, đây là chương trình rất đặc biệt, năm nay chúng ta phải hứng chịu các tác động của đại dịch mà ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, mà Việt Nam cũng không ngoại lệ.

“Vì thế, chương trình năm nay hướng đến mục tiêu chương trình kết nối các doanh nghiệp. Kết nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng và ngược lại để qua đó làm sao là kích cầu và phát triển thị trường nội địa, đáp ứng yêu cầu phát triển theo chỉ đạo của Thủ tướng”, ông Tài nói.

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, nhờ thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, chương trình hành động, nên việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được một số kết quả tích cực. Kết quả này đã góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường trong nước gắn với việc cải tiến hoạt động sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh, đồng thời quảng bá sâu rộng và nâng cao vị thế của hàng Việt Nam trong nhận thức và hành vi ưu tiên tiêu dùng của nhân dân thành phố.

Nhiều doanh nghiệp ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu, đã xem thị trường trong nước với sức mua của gần 100 triệu dân là hết sức tiềm năng. Đáng chú ý, 5 năm qua Tổng công ty may 28 đã đầu tư 288 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực dệt là 150 tỷ đồng, may là 138 tỷ đồng để tăng sức cạnh tranh và hướng đến làm chủ thiết kế, phát triển thương hiệu sản phẩm.

Theo đánh giá của Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), mặc dù chịu những tác động của dịch Covid - 19 nhưng hàng Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích; lưu thông hàng hóa được cải thiện với nhiều kênh phân phối tỏa đến khắp các địa bàn, đặc biệt là việc đưa hàng Việt Nam về các chợ truyền thống, nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã được triển khai sâu rộng thông qua phát triển điểm bán và tổ chức bán hàng lưu động.

Ngoài ra, một số chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm đã phát triển theo chiều sâu, kết nối doanh nghiệp và thúc đẩy tạo lập các mối liên kết trong sản xuất - lưu thông hàng hóa có tính chất lâu dài và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, thị trường bán lẻ của Việt Nam, hàng hóa của Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh hết sức gay gắt khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP đi vào thực thi.

Do vậy, trong vai trò thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương sẽ làm hết sức mình để hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.