Năm vấn đề lớn của nền kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với 5 vấn đề lớn. Đó là, tăng trưởng, lạm phát, nợ xấu, tồn kho và công ăn việc làm.

Tăng trưởng thấp, nhưng là hợp lý

 

Tăng trưởng GDP quý I đạt 4%, 6 tháng đầu năm đạt 4,38% là mức thấp nhất so với tốc độ tăng của cùng kỳ trong 3 năm trở lại đây. Mức thấp nhất không chỉ ở tốc độ chung, mà còn ở cả 3 nhóm ngành, trong đó đáng quan tâm nhất là tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp và xây dựng - động lực và đầu tầu tăng trưởng chung - đã giảm sâu hơn và thấp hơn tốc độ tăng trưởng chung.

 

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia và cơ quan hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô trong nước, tăng trưởng kinh tế cả năm 2012 đều thống nhất ở mức cận trên 5,7%, mức cận dưới là 5,4%, hoặc từ 5,3% trở xuống. Nếu đạt trên 5,32%, tăng trưởng của năm 2012 chỉ là “đáy” từ năm 2010 đến nay; nếu đạt dưới 5,32%, tăng trưởng của năm 2012 sẽ là “đáy” tính từ năm 2000 đến nay (chỉ sau năm 1999).

 

Mặc dù tốc độ tăng trưởng năm 2012 được dự báo là thấp so với năm 2011 và so với mục tiêu đề ra cho năm nay, nhưng có thể được coi là hợp lý, vì nhiều lẽ. Đạt được tốc độ tăng như trên trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những mặt còn khó khăn hơn cả năm 2009.

 

Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, các nguồn được tích lũy từ các năm trước cạn dần; sau 2 năm lạm phát cao ở mức 2 chữ số; lãi suất vay lớn gấp rưỡi, gấp đôi so với năm 2009; tăng trưởng tín dụng đột ngột giảm mạnh (năm 2011 chỉ còn tăng 12%, 7 tháng đầu năm 2012 chỉ còn tăng 0,57%). Trong cùng thời gian trên, tồn kho ở mức rất cao, diễn ra ở nhiều loại sản phẩm thuộc nhiều khâu, nhiều ngành, nhóm ngành.

 

Tăng trưởng kinh tế quý II cao hơn quý I (4,66% so với 4%), triển vọng của 6 tháng cuối năm sẽ cao hơn của 6 tháng đầu năm (cao hơn 4,38%). Điều đó chứng tỏ, tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu thoát đáy, vượt dốc đi lên.

 

Lạm phát giảm, nhưng chưa thể chủ quan

 

Lạm phát biểu hiện cụ thể là tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) năm 2010 ở mức khá cao (từ tháng 9/2010, làm cho cả năm tăng 11,75%); năm 2011 ở mức rất cao trong 9 tháng đầu năm (làm cho cả năm tăng 18,13%). Lạm phát đã được kiềm chế từ tháng 10/2011 đến nay (tháng 7/2012 so với tháng 9/2011, CPI tăng 3,53%, bình quân 1 tháng tăng 0,35%, trong đó đã giảm trong 2 tháng nay). Nếu tính theo năm, CPI của tháng 7 tăng 5,35%, đã giảm liên tục qua các tháng sau khi đạt đỉnh điểm 23,02% vào tháng 8/2011; khả năng sẽ còn tăng thấp hơn trong một vài tháng tới, sau đó sẽ tăng cao lên từ tháng 10, nhưng tính đến tháng 12, cũng sẽ tăng ở dưới 6%- thấp hơn rất nhiều so với năm trước (18,13%) và so với mục tiêu đề ra cho năm nay (dưới 10%). Thế nhưng, chưa thể chủ quan, bởi lạm phát có thể quay trở lại.

 

Năm nay, có một số yếu tố tác động đáng lưu ý. CPI trong thời gian qua tăng thấp, có nguyên nhân quan trọng do giá lương thực đã giảm 7 tháng liền, giá thực phẩm đã giảm 5 tháng liền (tính chung 7 tháng lương thực, thực phẩm giảm 2,08%), suy ra giá hàng hóa, dịch vụ ngoài lương thực - thực phẩm tăng 4,5%, cao gấp đôi tốc độ tăng chung; nếu tính theo năm, trong khi giá lương thực - thực phẩm tăng khoảng 1,77%, thì giá hàng hóa, dịch vụ ngoài lương thực tăng khoảng 7,3%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung 5,35%. Trong khi đó, giá lương thực - thực phẩm phụ thuộc vào thiên tai,  dịch bệnh, khả năng tiếp cận vốn để giữ đàn gia súc, gia cầm của các hộ chăn nuôi…); còn giá hàng hóa, dịch vụ khác có thể tăng cao hơn do nới lỏng tài khóa, tiền tệ.

 

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết 13/NQ-CP cùng với liều lượng tăng lên của các giải pháp đó cũng tác động tới CPI. Giá của một số loại hàng hóa, dịch vụ (đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng), nhất là điện, xăng dầu, ga, nước, dịch vụ y tế, thủy lợi phí… tăng lên, làm cho chi phí đẩy tăng, cộng hưởng với yếu tố tâm lý sẽ kéo mặt bằng giá lên theo.

 

Các yếu tố trên nếu cộng hưởng với các yếu tố giá thế giới, với nhu cầu cao lên vào dịp cuối năm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, có thể đẩy CPI tăng cao từ cuối năm nay.

 

Nợ xấu: điểm nghẽn lớn

 

Nợ xấu đang ở mức cao, cả về quy mô tuyệt đối và về tỷ lệ so với tổng dư nợ tín dụng.

 

Nợ xấu vẫn tiếp tục tăng khá nhanh. Nợ xấu diễn ra ở hầu hết các ngân hàng thương mại, từ ngân hàng nhỏ đến ngân hàng lớn. Nợ xấu có ở nhiều sản phẩm, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Tỷ lệ nợ xấu cao nhất là lĩnh vực bất động sản, trong khi thị trường này vẫn trầm lắng, giá bất động sản có thể chưa chạm đáy, thời hạn vay dài, lãi suất cao…, nên xu hướng còn cao lên và việc xử lý thường rất khó khăn. Một điểm đáng lưu ý nữa là việc xử lý nợ xấu đã được bàn bạc khá lâu, với nhiều ý kiến khác nhau về sự cần thiết phải xử lý, về nguồn vốn, về phương pháp, về đối tượng, về hình thức tổ chức…

 

Nợ xấu tác động tiêu cực đến nhiều mặt. Trước hết, làm tăng nghẽn dòng tín dụng ra nền kinh tế. Trong 7 tháng đầu năm 2012, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,57%. Điều đó chứng tỏ, dòng tiền vẫn còn đang loanh quanh trong hệ thống ngân hàng. Đây là một trong những điểm nghẽn lớn nhất tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế, làm cho sản xuất, kinh doanh và thị trường gặp khó khăn, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí nhiều doanh nghiệp bị ngừng hoạt động, phá sản. Nợ xấu cũng làm cho lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại ở mức cao trong thời gian dài, gần đây tuy đã được giảm xuống, nhưng vẫn còn lớn. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động còn cao. Cần sớm có sự thống nhất trong việc xử lý nợ xấu, nếu không nợ xấu sẽ ngày một tăng, tác động tiêu cực của nó sẽ ngày một lớn và việc khắc phục sẽ vừa tốn kinh phí, tốn thời gian hơn.

 

Tồn kho cao

 

Tồn kho đang là một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay. Mặc dù tốc độ tăng tồn kho sản phẩm ở một số ngành đã giảm xuống, nhưng vẫn còn khá cao. Tồn kho cao diễn ra ở hầu hết các sản phẩm, các ngành, từ lương thực, thực phẩm, đến sản phẩm công nghiệp, xây dựng, bất động sản, từ sản xuất đến thương mại, thậm chí cả tiền vốn cũng đang loanh quanh, ứ đọng thương mại ở ngân hàng. Đáng lưu ý, tồn kho cao không hoàn toàn do sản xuất tăng cao, thậm chí tăng trưởng còn bị suy giảm so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước.

 

Tồn kho cao do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do đầu tư, sản xuất, kinh doanh co lại, làm cho nhu cầu đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cũng co lại theo. Có nguyên nhân do thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư tăng thấp, thậm chí của một bộ phận dân cư bị sụt giảm, do mất hoặc thiếu việc làm khi doanh nghiệp ngừng sản xuất, phá sản, giải thể. Có nguyên nhân do sản phẩm, hàng hoá giá bán còn cao, bình quân 7 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước vẫn còn tăng 11,2%; nếu tốc độ tăng thu nhập của người lao động thấp hơn con số đó, thì chi tiêu sẽ thấp hơn.

 

Đó là chưa kể còn có sự tác động của yếu tố tâm lý “tích cốc phòng cơ”, do tác động của lạm phát cao trong 2 năm trước, nay lại lo tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, nên vẫn giữ tâm lý này, thậm chí còn “thắt lưng buộc bụng” ở mức cao hơn, giảm lượng tiêu dùng, giảm chi tiêu. Một số người trước đây có thể vay để đầu tư, chi tiêu, thì nay cũng sợ rủi ro, nên không dám vay.

 

Những người có thu nhập khá cũng có tâm lý chờ giảm giá nữa mới mua, mới chi tiêu. Ngân hàng cũng “co cụm” do lo ngại nợ xấu tăng; đòi hỏi người vay phải thế chấp, nhưng không phải tài sản nào cũng thế chấp được, nhất là sản phẩm, hàng hoá tồn kho; ngay cả bất động sản thế chấp cũng rất khó khăn khi thị trường này còn đang được dự đoán “đáy” đang ở phía trước và nếu ngân hàng có “ôm” thì cũng rất khó xử lý.

 

Công ăn việc làm

 

Số lao động đăng ký thất nghiệp, nhất là ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp tăng cao so với những năm trước. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, sau khi loại trừ yếu tố tăng giá, đã tăng chậm lại (nếu bình quân năm của thời kỳ 2001 - 2005 tăng 11,8%, của thời kỳ 2006- 2010 tăng 15%, thì năm 2011 chỉ còn tăng 4,7%, 7 tháng đầu năm 2012 tăng 6,7% - đều thấp xa so với tốc độ tăng bình quân năm trong các thời kỳ trước), tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, thị trường. Đây cũng là một trong những yếu tố tác động đến nhiều chỉ tiêu xã hội khác, cũng như tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.

 

Trong các mục tiêu trên, đáng lưu ý là tỷ lệ nghèo. Những năm trước, tỷ lệ hộ nghèo thường giảm khá nhanh: tính theo chuẩn nghèo cũ, tỷ lệ nghèo của năm 2006 là 15,5%, của năm 2008 là 13,4%; nếu tính theo chuẩn nghèo mới trong giai đoạn 2011 - 2015 (400.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 500.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị), thì tỷ lệ nghèo của năm 2010 là 14,2%, của năm 2011 là 12,6%. Năm nay, tỷ lệ nghèo có thể vẫn giảm, nhưng sẽ không nhanh như các năm trước, song có thể số cận nghèo sẽ gia tăng.

 

Việc giải quyết năm vấn đề lớn nêu trên đòi hỏi phải có sự hợp lực của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp... Một khi hạn chế được những tác động tiêu cực của những yếu tố trên, thì chúng ta mới phát huy được mặt mạnh của nền kinh tế, đảm bảo kinh tế phát triển ổn định, bền vững...

 

Theo Minh Nhung

Đầu tư