1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Năm 2050, Việt Nam sẽ mất cân bằng cung cầu điện?!

(Dân trí) - Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu năng lượng nhưng với cách sử dụng “thoải mái” và tốc độ phát triển xã hội như hiện tại thì trong tương lai gần, Việt Nam sẽ mất cân bằng về cung cầu điện, thậm chí thiếu hụt trầm trọng.

Ngày 25/10, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị và triển lãm quốc tế “Trải nghiệm năng lượng xanh và hiệu quả 2013”. Nhiều chuyên gia đã cùng thảo luận để hướng đến mục tiêu giải quyết những thách thức về năng lượng và phát triển bền vững cho Việt Nam cũng như toàn cầu.

Hiện tại, sức ép về năng lượng lên điện lưới quốc gia là rất lớn khi mật độ dân số càng ngày càng tăng, tốc độ phát triển kinh tế cao khiến mật độ tiêu thụ điện càng lớn. Trong khi đó, nguồn dầu mỏ, than đá cạn kiệt. Về thủy điện thì những con sông lớn đã được khai thác triệt để. Năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, điện hạt nhân… thì ở Việt Nam còn rất ít.

Theo tính toán của các chuyên gia quản lý về năng lượng, dự tính tới năm 2050, nhu cầu năng lượng trên toàn cầu sẽ tăng 50% và tạo ra một khoảng cách lớn về cân bằng cung cầu điện. Cũng theo dự báo, đến năm 2050, nhu cầu về năng lượng ở Việt Nam sẽ tăng lên 15 lần. Nếu không kịp thời có những chính sách phát triển năng lượng bền vững, nước ta có thể đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong tương lai.

Các chuyên gia đang tham quan sản phẩm tiết kiệm năng lượng
Các chuyên gia đang tham quan sản phẩm tiết kiệm năng lượng

Chia sẻ về tính cấp bách của nhu cầu năng lượng xanh và hiệu quả cho Việt Nam, ông Cù Huy Quang, chuyên gia tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết, trong giai đoạn 2010-2020, Việt Nam xuất hiện sự mất cân đối cung cầu các nguồn năng lượng nội địa. Đến năm 2030, nhiều khả năng Việt Nam sẽ chuyển từ nước chuyên xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu nếu tình hình sử dụng năng lượng từ doanh nghiệp đến hộ gia đình đang diễn ra như hiện nay.

“Chúng ta cần có những cách tiếp cận thông minh để giúp các doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là ở các khu đô thị đang phát triển mạnh của Việt Nam, quản lý năng lượng hiệu quả và nhận thức được tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng cũng như tích cực áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng thì mới giải quyết được nguy cơ khan hiếm nguồn năng lượng điện”, ông Quang nói.

Sử dụng phung phí, tương lai gần, Việt Nam sẽ thiếu điện
Sử dụng phung phí, tương lai gần, Việt Nam sẽ thiếu điện

Ông Nguyễn Văn Long, Vụ phó Vụ khoa học – Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào bao gồm than, dầu, khí đốt, thủy điện và năng lượng tái tạo, hiện vẫn là quốc gia xuất khẩu năng lượng. Tuy nhiên, do nền kinh tế tăng trưởng cao, sẽ khiến nhu cầu năng lượng tăng theo và trong tương lai nhu cầu sẽ vượt quá khả năng đáp ứng của nguồn cung cấp trong nước. Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,5 lần vào năm 2015 và 5 lần vào năm 2025 nếu so sánh với mức tiêu thụ hiện tại và nếu như vấn đề tiết kiệm năng lượng không được quan tâm đúng mức thì năng lượng sẽ tác động nặng nề lên nền kinh tế quốc dân và tác động đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.

Với vai trò đầu mối quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng, nhiều năm qua, Bộ Công thương đã chủ trì và phối hợp thực hiện nhiều chương trình hướng đến sử dụng nguồn năng lượng hợp lý, hiệu quả, trong đó có “Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Các hoạt động tuyên truyền đã đi sâu vào các giải pháp quản lý năng lượng hiệu quả cho từng đối tượng, từng lĩnh vực hướng tối mục tiêu tiết kiệm từ 5-8% tổng năng lượng tiêu thụ.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm