Năm 2020, Fintech Việt Nam "vượt khó" ra sao?
(Dân trí) - 2020 là một năm đặc biệt, dịch Covid-19 lan rộng đã khiến nhiều hoạt động của đời sống chuyển sang môi trường số. Đây cũng là cơ hội để thanh toán điện tử có được sự bứt phá cả về số lượng người dùng và giao dịch.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 trong năm 2020 đã gây ra các tác động lớn đến đời sống. Các đợt giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc gần đã khiến cho nhiều hoạt động phải đổi sang môi trường trực tuyến. Mua sắm, tiêu dùng và các hoạt động thanh toán không tiền mặt cũng thay đổi theo xu hướng này.
Trong cái khó… ló ví điện tử
Chị An, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết: "Trong thời gian giãn cách xã hội năm ngoái, phần lớn chi tiêu của tôi được thực hiện qua thanh toán trực tuyến hoặc ví điện tử".
Chị đã có tài khoản của một ví điện tử trong vài năm, nhưng phải tới đợt dịch, việc sử dụng mới trở nên thường xuyên. Trong đó mỗi tháng chị chi 1,5 triệu đồng qua ví điện tử của mình để trả hóa đơn tiền điện, nước, Internet, điện thoại di động. Ngoài ra mỗi ngày chị cũng thanh toán tiền mua thực phẩm cho gia đình qua ví điện tử.
Như một số người dùng trong nước, chị An cho rằng tiền mặt là một trong những nguy cơ lây truyền virus. Đôi khi chị không nhận lại tiền thừa được cửa hàng trả lại do số tiền nhỏ và chị sẽ không cần phải giữ nhiều tiền mặt. Tâm lý đó đã mang lại cơ hội lớn cho các dịch vụ trực tuyến và ví điện tử.
Những dịch vụ này mang tới cho khách hàng trong nước trải nghiệm tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng. Bản thân các ví điện tử cũng đưa ra các chương trình khuyến mại để lôi kéo khách hàng tới hệ thống của mình. Bằng cách khuyến khích khách hàng trả tiền trước để nhận ưu đãi, tỷ lệ lựa chọn hình thức thanh toán khi nhận hàng (COD) cũng giảm đáng kể.
Không chỉ có các cá nhân, ví điện tử cũng được nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đón nhận như một giải pháp tích cực trong thời điểm dịch.
Chị Nhung, chủ một cửa hàng thời trang tại Hà Nội cho biết: "Dù tiền mặt vẫn là hình thức thanh toán chính của các khách hàng song các hình thức thanh toán thẻ, thanh toán qua ví điện tử đang tăng. Những cách thanh toán này giúp tôi kiểm soát tiền cửa hàng hiệu quả và an toàn hơn".
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt gần 918,8 triệu giao dịch, giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng, tăng 123,9% về số lượng so với cùng kỳ 2019.
Cạnh tranh bằng giá trị "thực" mang lại cho người dùng
Theo một khảo sát được thực hiện trong năm 2020, 63% người dùng duy trì đặt thức ăn trên mạng, 67% tiếp tục hành vi mua sắm online, đặc biệt 44% cho rằng sẽ không mua hàng bên ngoài khi mua được hàng trên mạng.
Đây là tiền đề tốt cho các ví điện tử, giải pháp thanh toán trực tuyến trong thời gian tới, khi khách hàng đã có thói quen sử dụng các phương thức mới thay cho mua sắm truyền thống. Một xu hướng trong năm 2020 là xây dựng hệ sinh thái khép kín giữa ví điện tử và các dịch vụ offline. Ví dụ Momo kết hợp với dịch vụ gọi xe Be hoặc Grab đưa ra các khuyến mại cho người dùng ví điện tử Moca khi sử dụng dịch vụ đi chợ hộ Grab Mart.
Đây chỉ là phần nhỏ trong các nhu cầu của người dùng. Các chuyên gia đánh giá để ví điện tử thật sự giữ chân khách hàng, bản thân các ví phải đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng của người dùng. Như vậy ngoài thanh toán với các dịch vụ liên kết, ví điện tử cần hình thành một hệ sinh thái từ người dùng, đến các điểm chấp nhận dịch vụ, mở rộng cả tới các nhu cầu như cho vay, đầu tư…
Dựa vào lợi thế số lượng khách hàng lớn, các nhà mạng cũng lần lượt gia nhập thị trường fintech đầy cạnh tranh, tiêu biểu như VNPT Pay (ví điện tử thuộc VNPT) hay ViettelPay (ứng dụng của nhà mạng Viettel). Tận dụng số lượng người dùng từ mạng di động lớn nhất Việt Nam cũng như lợi thế điểm giao dịch phủ rộng khắp toàn quốc, Viettel xây dựng ViettelPay dưới hình thức hệ sinh thái tài chính - thanh toán số: chuyển tiền, thanh toán thậm chí cho phép thực hiện cả hoạt động vay tiêu dùng, đầu tư ngay trên điện thoại.
So sánh với các ngân hàng truyền thống, việc sử dụng ứng dụng thanh toán số có hệ sinh thái kết hợp với dịch vụ offline sẽ mang lại những ưu điểm đó là người dùng có thể tới các điểm giao dịch vật lý để thực hiện ngoài giờ hành chính.
Chiến lược thường thấy để thu hút người dùng thường được các ví điện tử thực hiện trong nhiều năm nay là đưa ra các chương trình khuyến mại. Cách làm này thường được coi là "đốt tiền" nhưng hiệu quả mang tới cho các ví điện tử khá rõ ràng.
Dịp cuối năm, các ứng dụng fintech thường hay có các chương trình quà tặng hoặc trò chơi nhằm khuyến khích người dùng mở ứng dụng hoặc thực hiện giao dịch. Nếu như Momo tiếp tục duy trì game lắc trên điện thoại, thì ViettelPay chọn hướng triển khai chương trình Tết với nhiều ưu đãi đồng hành cùng khách hàng đón Tết. Theo đó, ViettelPay sẽ lì xì và tặng quà khách hàng có giao dịch đặc biệt, đồng thời miễn phí chuyển khoản kể cả tới tài khoản ngân hàng, số điện thoại, số thẻ. Các ví điện tử khác như AirPay, ZaloPay cũng đua nhau cạnh tranh bằng các khuyến mại Tết.
Tới thời điểm này, Việt Nam đang có 38 ứng dụng Fintech hoạt động, tuy nhiên vẫn chưa có ứng dụng nào thực sự chiếm lĩnh thị trường. Do vậy, ngoài những yếu tố cạnh tranh trên, rất có thể thị trường còn sẽ còn khốc liệt hơn khi mobile money được cấp phép triển khai. Khi đó lợi thế sẽ thuộc về các doanh nghiệp viễn thông có ví điện tử, ứng dụng thanh toán số - không yêu cầu người dùng có tài khoản ngân hàng, có smartphone.