Năm 2020: “Cơ cấu lại” ý thức công vụ, xóa nạn “hành” doanh nghiệp!

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, năm 2020 sẽ tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng với 3 trọng tâm: Đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng, đặc biệt cần là năm “cơ cấu lại” ý thức công vụ trong phối hợp công tác và phục vụ doanh nghiệp.

Sáng nay (27/12), Hội đồng tư vấn chính sách, tài chính, tiền tệ quốc gia họp phiên thường kỳ quý 4/2019 với sự chủ trì của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Chủ tịch Hội đồng, nhằm tổng kết những kết quả của về điều hành vĩ mô, kinh tế năm 2019 và định hướng năm 2020.

Năm 2020: “Cơ cấu lại” ý thức công vụ, xóa nạn “hành” doanh nghiệp! - 1
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách, tài chính, tiền tệ quốc gia

Năm 2019, tăng trưởng kinh tế trên 7%, cao hơn mục tiêu 6,8% Quốc hội giao. Chính sách tài khóa và tiền tệ phối hợp hài hoà, chặt chẽ góp phần gia cố thêm sự ổn định, vững chắc của kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp (khoảng 2,76%) so với mục tiêu dưới 4%, là mức lạm phát thấp nhất trong 3 năm qua. Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực và ổn định, quy mô thị trường trái phiếu tăng 12,8% so với năm 2018.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp cả nước hoàn thành 12 chỉ tiêu chủ yếu mà Quốc hội đặt ra, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các thành viên Hội đồng đánh giá kết quả đó là do sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương và sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động trên cả nước.

Tuy nhiên, Hội đồng cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục bám sát các diễn biến kinh tế, chính trị trong khu vực và trên thế giới để kịp thời có đối sách giảm các tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong nước. Chính phủ, các bộ, ngành cần đẩy nhanh xây dựng cơ sở pháp lý cho kinh tế chia sẻ, kinh tế số nhằm tận dụng những cơ hội để khơi thông các động lực cho nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước;…

Lo ngại kinh tế thế giới sẽ đi vào suy thoái, một số thành viên còn đề nghị Chính phủ “nới lỏng trong kiểm soát” chính sách tiền tệ, tài chính để tranh thủ thời cơ thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. Bên cạnh đó, năm 2020, Chính phủ cần tiếp tục khơi thông thị trường vốn để tiếp tục giảm thiểu hơn các rủi ro tín dụng,...

Đồng tình với đánh giá của các thành viên Hội đồng ở các mặt tích cực, tiêu cực của nền kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh kết quả tích cực của năm 2019 không phải chỉ đến từ các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế những năm gần đây mà còn bắt nguồn từ thành quả của 30 năm Đổi mới.

Năm 2020: “Cơ cấu lại” ý thức công vụ, xóa nạn “hành” doanh nghiệp! - 2
Hội đồng tư vấn chính sách, tài chính, tiền tệ quốc gia họp phiên thường kỳ quý 4/2019

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Hội đồng sẽ đề xuất lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó có 3 trọng tâm: Đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng, đặc biệt cần là năm “cơ cấu lại” ý thức công vụ trong phối hợp công tác và phục vụ doanh nghiệp.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ nhằm đạt mục tiêu Quốc hội giao; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, hiện đại, hội nhập, đảm bảo khả thi; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế…

Trước đó, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 23/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến sự trì trệ của nhiều sở, ngành ở địa phương, đá qua đá lại, chậm chạp và yêu cầu “chấm dứt ngay việc hù dọa doanh nghiệp bằng quyền lực. Phải loại ngay cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà, trình độ yếu kém làm mất cơ hội của người dân và doanh nghiệp”.

 Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm