1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Năm 2014 và “điểm nóng” của ngành ngân hàng

(Dân trí) - Dưới góc nhìn của các chuyên gia chính sách tiền tệ, năm 2014, hệ thống ngân hàng cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn ngân hàng thương mại. Bởi đây là “điểm nóng” và một trong những nguồn gốc sản sinh nợ xấu.

TS.Võ Trí Thành, Viện phó Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM): Chủ trương đưa ngân hàng “lên sàn” là đúng đắn

Năm 2014 và “điểm nóng” của ngành ngân hàng

Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã làm được một số việc gây được sự đồng thuận của dư luận như đưa hệ thống ngân hàng quay lại hoạt động bình thường, ổn định thanh khoản, xử lý ngân hàng yếu kém. Cùng với đó, thị trường vàng đã trở nên bình lặng vì không còn sự lũng đoạn của những “cá mập”, không có đợt sóng trào, rối loạn, giải quyết được tất toán hoạt động vàng mà không gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Thất nghiệp, cử nhân “trốn” Tết gia đình

Công ty quản lý quỹ: Lợi thế nếu có "mẹ" là doanh nghiệp bảo hiểm

Năm 2014 và “điểm nóng” của ngành ngân hàng

Những thương vụ đình đám nhất giới ngân hàng Việt năm qua

Tuy nhiên, những việc này mới chỉ đạt về mặt hình ảnh, còn rất nhiều việc cần phải làm tiếp trong năm 2014. Khi làm tiếp quá trình này, ngành ngân hàng cần phải tiếp thu thêm ý kiến và chỉnh lý chính sách điều hành sao cho hiệu quả nhất. Vì thực tế, lòng tin của người dân mới bắt đầu, chưa vững chắc, do vậy, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước cần phải cương quyết trong việc thực hiện mục tiêu của mình. Còn vấn đề tái cơ cấu hệ thống chỉ mới bắt đầu nên còn nhiều việc cần làm như minh bạch thông tin, sở hữu chéo, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2014 vẫn còn nhiều thách thức khác. Ví như câu chuyện vàng, Ngân hàng Nhà nước cần hình thành bài bản gắn với câu chuyện sàn vàng, vấn đề huy động vàng từ dân để đưa nguồn lực này vào đầu tư phát triển.

Riêng chủ trương đưa các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán là tinh thần đúng đắn, vì sẽ có hai cái được là minh bạch thông tin và xử lý sở hữu chéo. Việc niêm yết sẽ tốt cho việc nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, vì ngân hàng sẽ chịu áp lực từ các cổ đông.

Bởi từ những giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán sẽ thể hiện được tính thanh khoản, từ đó thu hút được vốn từ các tổ chức khác tốt hơn. Việc niêm yết cũng sẽ giúp cơ quan quản lý xử lý được vấn đề sở hữu chéo. Quan trọng hơn, đằng sau việc niêm yết là hiệu quả phân bổ nguồn lực, lộ trình niêm yết sẽ phụ thuộc vào bước đi của Ngân hàng Nhà nước và từng ngân hàng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Cần giải quyết “điểm nóng” nợ xấu

Năm 2014 và “điểm nóng” của ngành ngân hàng

Một trong vấn đề tôi đặc biệt lưu ý trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian tới là phải giải quyết tình trạng sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn NHTM. Đây là “điểm nóng” và một trong những nguồn gốc sản sinh nợ xấu kinh niên và cản trở xử lý nợ xấu cũng như việc thực hiện các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, kế toán, an toàn hệ thống…

Dù hệ thống ngân hàng đang công bố lộ trình thực hiện như áp dụng Thông tư 02, Basel II, III… nhưng có vẻ những vấn đề về tài chính (nợ xấu), sở hữu, quản trị ngân hàng chưa được giải quyết nhanh chóng, dứt điểm. Do vậy, trong những năm tới ngoài việc xử lý nợ xấu, cần tập trung xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo, lũng đoạn và tăng cường kỷ cương kỷ luật hệ thống trên nền tảng khung pháp lý, chế tài đủ mạnh, đủ hiệu lực mới có thể đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng - vốn là nền tảng của toàn bộ chương trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và ổn định kinh tế vĩ mô tăng trưởng nhanh, bền vững.

TS.Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính: Lãi suất khó giảm tiếp

Năm 2014 và “điểm nóng” của ngành ngân hàng

Với tình hình kinh tế được cải thiện hơn, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 ở mức 12 - 14% có thể đạt được. Những năm trước, mức tăng trưởng tín dụng của chúng ta rất lớn nhưng hiệu quả không tương xứng. Do đó, chúng ta không nên dựa vào quá khứ để đưa ra mức tăng trưởng cao mà nên sử dụng hiệu quả phần tín dụng còn dôi dư những năm trước. Đối với tăng trưởng tín dụng thì xã hội cần lượng, nhưng chất là ngân hàng phải chịu, nếu có xảy ra rủi ro thì chỉ ngân hàng hứng chịu trước tiên.

Bài học từ thực tế của tăng trưởng tín dụng cao những năm trước là hiện nay, các ngân hàng đang phải gánh chịu hậu quả với nợ xấu cao. Do đó, các ngân hàng phải cân đối giữa lượng và chất tín dụng. Riêng vấn đề lãi suất, theo đánh giá của tôi, dư địa giảm còn rất hẹp, nếu như không nói là “hết cửa”. Hiện tại, lãi suất huy động đang ở mức khoảng 7%/năm và năm 2014 khó có thể dưới mức này được.

Năm 2013, các ngân hàng lãi không lớn, nếu không muốn nói nhiều ngân hàng đã lỗ, do tăng trích lập dự phòng rủi ro. Nên năm 2014, nếu việc xử lý nợ xấu tốt hơn, các ngân hàng sẽ không phải sử dụng dự phòng rủi ro và có thể hoàn vốn, tăng lợi nhuận. Khi đó, ngân hàng có thể tính đến việc giảm lãi suất cho vay thêm 1 - 2%/năm hoặc Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc hình thức hỗ trợ cho NHTM.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng phải xem xét các NHTM sử dụng vốn có tốt không. Nếu ngân hàng huy động 100 đồng nhưng chỉ cho vay được 50 đồng, còn dư tiền mà không thể cho vay được sẽ rất lãng phí. Tôi cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước có ý định hỗ trợ cho các NHTM thì tốt nhất hỗ trợ bằng lãi suất hơn là bơm tiền vì các ngân hàng đang ế vốn.

Nguyễn Hiền (ghi)

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm