Năm 2012, “bong bóng” vàng sẽ nổ?

Năm 2011, giá vàng lên đến mức kỷ lục khi vượt qua ngưỡng 1.900 USD/ounce (ở Việt Nam là 49 triệu đồng/lượng) vào đầu tháng 9. Đến đầu tuần lễ cuối cùng của năm 2011, giá vàng xuống dưới ngưỡng 1.600 USD/ounce (chính xác là 1.592,30 USD).

Năm 2012, vàng sẽ xuống từ từ hay xuống không thắng, hoặc có thể lên trở lại?

 

Quả thật “thần vàng” chưa bao giờ chói lọi như hôm thứ hai 5/9/2011 khi giá lên đến tột đỉnh 1.921 USD/ounce, trước khi xuống chạm ngưỡng 1.900 USD sáng hôm sau (xem biểu đồ). So với ngưỡng 1.400 USD/ounce hồi đầu năm, giá vàng tăng trên 500 USD/ounce.
 
Năm 2012, “bong bóng” vàng sẽ nổ? - 1
Diễn biến của giá vàng trong 10 năm qua.
 
Năm 2012, “bong bóng” vàng sẽ nổ? - 2
Diễn biến giá vàng trong năm 2011.

 

Tượng con bò vàng và nỗi sợ hãi

 

Bầu không khí nợ nần và chứng khoán cứ thua lỗ ở châu Âu cũng như việc quốc hội lưỡng đảng Mỹ cù cưa không thỏa thuận nâng trần nợ được với nhau đã khiến bậc tín nhiệm của nước Mỹ bị S&P hạ thấp. Thế là tờ giấy bạc xanh càng bị chối bỏ.

 

Ngày thứ hai 5/9 đó, vàng đã trở thành “con bò vàng” mà ngày xưa dân Do Thái từng đúc tượng thờ trên đường di tản trong sa mạc Sinai vì mất đức tin nơi Thượng đế và “người dẫn đường” là tiên tri Moise. Nó “đá văng” USD, đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong thương mại quốc tế, trên các thị trường hối đoái và là trữ tệ nhiều nhất trên thế giới.

 

Tại các thị trường chứng khoán châu Âu, thiên hạ rần rần “bỏ của chạy lấy người” trước việc nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đang được xem là “cứu tinh” của khu vực đồng euro, bị lung lay sau một cuộc bỏ phiếu ở Đức. Khi “người cứu chuộc” (nợ) xính vính, toàn thể các “con nợ” còn biết bám víu vào đâu? Thế là giá vàng vốn đã tăng vọt như “có cánh” từ mấy tháng qua cứ thế mà “thăng thiên” trước những tin tức xấu của nền kinh tế Mỹ.

 

Khi niềm tin đã bị mất sẵn từ cuộc khủng hoảng lần thứ nhất năm 2008 ở Mỹ, nay với cuộc khủng hoảng công nợ cả ở Mỹ lẫn châu Âu thì bất cứ tin xấu nào ở bên này hay bên kia Đại Tây Dương, thậm chí một vài tiếng giày trận vang lên từ Iran, cũng khiến thiên hạ sợ hãi, chối bỏ tờ giấy bạc xanh, tìm đến bức tượng “con bò vàng”.

 

Thế nhưng, việc dư luận sợ hãi trước những biến cố là một lẽ và là một điều hết sức tự nhiên. Song việc các “bàn tay lông lá” giật dây sự sợ hãi lại là một lẽ khác. Giáo khoa thư khoa học truyền thông gọi đó là “appeal to fear”, gieo rắc sự sợ hãi, làm chao đảo tờ giấy bạc xanh, đẩy giá vàng lên.

 

Một khi sự sợ hãi bị kích động đến kỳ cùng sẽ làm nảy sinh một tâm lý khác mà giáo khoa thư gọi là “wagon-band”: người ta lời quá xá, tại sao mình không theo với, trong chiều này hay trong chiều kia, tùy hoàn cảnh? Hai tâm lý đó tạo thành điều gọi là “tâm lý bầy đàn”, như nhận định về thị trường vàng Việt Nam của thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

 

Những thông tin trái chiều

 

Nếu nhìn vào biểu đồ giá vàng năm 2011 sẽ thấy chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, từ hạ tuần tháng 9 đến thượng tuần tháng 10/2011, giá vàng thế giới đã tuột những 300 USD/ounce, từ ngưỡng 1.900 USD xuống còn 1.600 USD/ounce. Và từ đó, giá vàng cũng có những lúc “vùng vẫy” lên ngưỡng 1.800 USD/ounce rồi xuống lại ngưỡng 1.600 USD/ounce. Liệu giá vàng có trụ lại được ở “phòng tuyến” này?

 

Trước lễ Giáng sinh, giá vàng đã xuống thấp hơn ngưỡng 1.600 USD/ounce, coi như “phòng tuyến” này đã bị thủng! Báo chí thi nhau đưa tin theo các bình luận quốc tế: thị trường vàng hướng tới quý giảm giá đầu tiên. Có tờ báo đưa tin theo nguồn tin nước ngoài: “Giá vàng có thể giảm dưới 1.500 USD/ounce trong ba tháng tới” (3). Ngược lại, cũng có tờ đăng tin trái chiều: “Giá vàng sẽ tăng hai chữ số trong năm 2012”.

 

Trong “rừng” tin đó, thái độ cần có là gì? Giáo sư báo chí Beth Lane, tác giả của “Đọc báo là gì? Tại sao người sử dụng báo chí cần biết đọc (báo)”, từng căn dặn phải tự đặt các câu hỏi sau khi đọc một tin, bài kinh tế: “Thông điệp này nhắm đến ai? Ai muốn nhắm đến ai và vì sao? Hướng đến cái gì? Cái “lưỡi câu” xúc cảm nào đang được sử dụng để độc giả chú ý? Ai “đẻ” ra bài báo này và vì mục đích gì? Ai được lợi, ai mất mát? Cái nhìn nào đang được đốc thúc? Cái nhìn nào đang bị che đậy?”.

 

Không riêng thị trường vàng mà thị trường chứng khoán, địa ốc... đều tồn tại trên những làn sóng tâm lý đó! Vấn đề là ai hưởng lợi khi những thông tin đó được đưa ra.

 

Tâm lý sợ “thua đau” hay “vuột” mất cơ hội kiếm lời luôn chi phối các quyết định mua vào, bán ra. Việc những cụm từ như “hôm qua, nhiều người đã ào ào đem vàng ra bán chốt lời” hay “rồng rắn xếp hàng mua vàng”, rồi “giá vàng trong nước vẫn còn cao hơn giá vàng thế giới” hoặc “giá vàng trong nước còn thấp hơn giá vàng thế giới” cứ được lặp lại hằng ngày... vô hình trung kích động sợ hãi thua lỗ hoặc ham muốn kiếm lời, thúc giục có bao nhiêu vàng đem bán ra cho kịp “chốt lời” hoặc ngược lại!

 

Kết luận của Beth Lane: “Biết đọc báo không phải là bạn biết tin tức gì, mà là... bạn đặt câu hỏi gì từ những tin tức đó” có thể là kim chỉ nam cho việc đọc tin tức về vàng, chứng khoán, địa ốc...

 

Từ cách nhìn đó có thể tạm ghi nhận hai luồng tin và dự báo. Trước hết là vàng sẽ tuột giá, “bong bóng” sẽ nổ sau 11 năm được thổi căng. Song cũng có dự báo trái chiều như của Bloomberg hôm 2/11/2011: “Các nhà dự báo chính xác nhất nói rằng vàng sẽ tăng trở lại và đạt kỷ lục mới vào tháng 3 (năm tới) do trì trệ tăng trưởng kinh tế và cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu không được hóa giải. Giá vàng đặt mua trước tại New York tăng 14%, đạt 1.950 USD/ounce cho cuối quý 1 năm tới, căn cứ theo các dự báo của 8/10 nhà phân tích được Bloomberg theo dõi từ tám quý qua”.

 

Thế nhưng, độ chính xác của các dự báo này lại là một vấn đề, nếu thật sự theo dõi. Ngày 23/12/2011, Kitco loan: “Vàng có lẽ sẽ có thể được bán trong khoảng 1.600-1.650 USD/ounce trong tuần tới, tuần lễ cuối cùng của năm”. Song thực tế của tuần lễ sau lễ Giáng sinh hoàn toàn đính chính dự báo đó: vàng xuống dưới ngưỡng 1.600 USD ngay từ đầu tuần như đã nêu ở trên.

 

Chẳng thể trách Kitco được vì chỉ dự báo “có lẽ” và cho một tuần lễ mà thôi. Mà thị trường vàng hay tài chính “sống” được là những tăng giảm theo hình “răng cưa” ngắn hạn, thậm chí từng giây như trên thị trường chứng khoán, để thiên hạ tùy nghi “lướt sóng”, chứ cứ tăng hay giảm một đường thẳng lấy gì “ăn”, đóng cửa mất!

 

Trong bối cảnh của những thông tin trái chiều đó, việc theo dõi các đánh giá bối cảnh toàn cục của thị trường trong chiều sâu và dài hạn sẽ cho phép tự mình ước tính hơn. Trong số các phân tích bối cảnh dài hạn và chiều sâu đó, đánh giá của Frank Giustra trên tờ Vancouver Sun đáng lưu ý: “Số tiền mà châu Âu và Mỹ cần đến để giải cứu nợ vào khoảng 10.000 tỉ USD. Số tiền đó hoàn toàn không có, mà chỉ có thể được nặn ra bằng cách in tiền ồ ạt. Khi các ngân hàng trung ương in tiền và tăng cung tiền, đồng tiền mất giá”.

 

Luận cứ của Frank Giustra dựa trên tổng nợ của Mỹ và châu Âu để dự báo rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục in tiền và vàng sẽ tiếp tục lên giá. Con số 10.000 tỉ USD công nợ gộp là một con số có thể kiểm chứng được, nên đây có thể là một chi tiết tham khảo để tự trả lời câu hỏi: thế giới đã, sắp, sẽ ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ công này chưa và vàng ở đâu trong đó?

 

Theo Hữu Nghị
Tuổi trẻ