Năm 2011 - bi kịch của nhiều siêu thị điện máy?
(Dân trí) - Hàng loạt các chương trình khuyến mãi, giảm giá, rồi giờ vàng, ngày vàng, giá gốc hay giá “sốc”... là những cụm từ đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Điều đó cũng làm cho nhiều siêu thị "cắn răng giảm giá, chấp nhận lỗ" để khách hàng đến với mình…
Cạnh tranh thiếu khôn ngoan
2010 là năm bùng nổ các chuỗi siêu thị điện máy. Đặc biệt ở Hà Nội, các siêu thị đua nhau mở rộng, mọc lên như nấm. Đáng chú ý là hầu như các siêu thị chỉ tập trung ở khu vực trung tâm thành phố, thậm chí có những địa bàn như Hoàn Kiếm, Cầu Giấy… vị trí nhiều siêu thị nằm gần nhau khiến cho việc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Siêu thị điện máy được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2011 (ảnh minh họa)
Để giành lấy thị phần trong “miếng bánh” nhỏ bé của thị trường, các siêu thị liên tục phải tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá, rồi giờ vàng, ngày vàng, giá “sốc”... Thậm chí, phần lớn siêu thị còn "cắn răng giảm giá, chấp nhận lỗ" trong các chương trình khuyến mại đó để khách hàng đến với mình.
Không những vậy, số tiền mà các siêu thị phải bỏ ra để chi trả cho quảng cáo các chương trình khuyến mãi cũng không phải là ít. Nhưng vì có quá nhiều siêu thị cùng tung ra chương trình khuyến mãi trong cùng một thời điểm, thậm chí trên cùng một loại phương tiện thông tin đại chúng (như: nằm ở vị trí gần nhau của cùng một tờ báo hoặc cùng một giờ quảng cáo trên cùng một kênh truyền hình hay đài phát thanh) khiến hiệu quả đem lại không được như mong đợi.
Trong bối cảnh khó khăn chung ấy, có những siêu thị còn dùng các biện pháp gây “sốc” như tặng quà không cần mua hàng, mua hàng trúng xe 4 bánh, giảm giá đồng loạt chỉ 100.000 đồng… song đã có siêu thị phải ngừng phục vụ vì không ngăn được sự hỗn loạn trong văn hoá mua hàng kiểu tranh cướp thiếu ý thức của 1 bộ phận không nhỏ người dân.
Có thể nói, chưa bao giờ người tiêu dùng lại cảm thấy dễ dàng khi mua đồ điện máy như bây giờ, giá vừa rẻ mà lại có nhiều sự lựa chọn thoải mái. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều siêu thị đang đứng trước tình hình kinh doanh cực kỳ khó khăn.
Nhiều đại gia bán buôn cũng thử sức tham gia mảng bán lẻ đã chia sẻ, giờ họ cảm thấy sợ vì phức tạp và tốn công sức, tiền của để xây dựng mà vẫn chưa đâu vào đâu.
Thương hiệu mạnh là giá trị cốt lõi
Nhìn nhận về chiến lược cạnh tranh trong lĩnh vực điện máy, bà Nguyễn Thúy Lan - chuyên gia xây dựng & phát triển thương hiệu cho rằng, nhiều doanh nghiệp chưa khôn ngoan trong chiến lược lựa chọn và phát triển thị trường.
Các siêu thị chưa thực sự tìm hiểu sâu sắc nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu của mình cũng như cho rằng việc tập trung mang tính quần thể sẽ tốt hơn hoặc cản trở đối thủ ở khu vực đó. Đơn cử như trong khu vực và sát quận Cầu Giấy có tới 5,6 siêu thị điện máy hoành tráng nhưng "khách đến mua thì ít mà đến xem thì nhiều" .
Bên cạnh đó, tư duy trong tiếp thị và quảng cáo của nhiều siêu thị cần phải cải thiện. Việc dành nhiều ngân sách chưa hẳn là hợp lý nếu chiến lược lựa chọn các kênh truyền thông không thể truyền tải thông điệp một cách sáng tạo, có bản sắc, khẳng định những điểm khác biệt của thương hiệu.
Thực tế, nhiều siêu thị điện máy đang hết sức bị động trên con đường xây dựng thương hiệu của chính mình - mất đi bản sắc cũng như thiếu hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.
“Họ quên mất rằng thương hiệu mạnh mới là giá trị cốt lõi để tồn tại trong sự cạnh tranh đầy khốc liệt. Cụ thể đó là xây dựng một thuơng hiệu mạnh đầy cảm xúc - đầu tư nghiêm túc, phát triển dịch vụ chăm sóc trước và sau bán hàng thực sự chuyên nghiệp, chứ không phải việc đơn thuần chỉ giảm giá, tặng quà hay quảng cáo rầm rộ” - bà Lan chia sẻ.
Ở đây, cảm xúc được các thương hiệu đem đến, có thể là cảm nhận từ không khí phục vụ nhiệt tình, có thể từ sự tin cậy, là sự khám phá thú vị, là khát khao sở hữu, chờ mong hay có khi đơn giản chỉ là cảm giác sung sướng, hãnh diện khi được thoả sức ngắm nhìn trong một không gian phong phú hàng hóa mà chẳng mua sắm gì...
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang (Giám đốc Công ty Cowan Việt Nam) bổ sung thêm: Với tư duy xác lập thương hiệu vào tâm trí và tình cảm của khách hàng và người tiêu dùng, tiếp thị thương hiệu là một tập hợp những nỗ lực tạo ra lực đẩy và lực kéo giúp thương hiệu lao nhanh về phía trước, chinh phục số đông khách hàng và người tiêu dùng.
Điều đó có thể hiểu vì sao năm 2011 được nhiều chuyên gia nhận định sẽ là năm đầy thách thức và khó khăn cho các doanh nghiệp nếu không thay đổi cách làm thương hiệu, chiến lược quảng cáo và chất lượng phục vụ khách hàng.
Và với một quốc gia đã hội nhập quốc tế như Việt Nam thì đây cũng chính là vấn đề mà các hệ thống phân phối bán lẻ đều cần phải tính đến chứ không riêng gì thị trường điện máy.
Lan Hương