Năm 2009, các nước đang phát triển cần từ 270 - 700 tỷ USD
(Dân trí) - Các nước đang phát triển thiếu từ 270 đến 700 tỷ USD trong năm nay, khi các nhà đầu tư rút ra khỏi thị trường này và chỉ có khoảng 1/3 trong số các nước gặp nguy cơ có đủ nguồn lực vượt qua khó khăn.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã cho biết như vậy tại bản báo cáo phục vụ cuộc họp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 sẽ diễn ra vào ngày 13 - 14/3 tới.
Tổ chức này cũng chỉ ra rằng, các định chế tài chính quốc tế không thể bù được khoản thiếu hụt này cho 129 nước và để giải quyết cần phải có sự tham gia của các chính phủ, các tổ chức đa phương, khu vực tư nhân.
Ông Robert B. Zoellick, Chủ tịch nhóm Ngân hàng Thế giới nói: “Chúng ta cần phải phản ứng ngay với cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng lên người dân các nước đang phát triển.
Phải có một giải pháp toàn cầu cho cuộc khủng hoảng này và tránh khủng hoảng kinh tế tại các nước đang phát triển là rất quan trọng để vượt qua khủng hoảng. Chúng ta cần đầu tư vào an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng, các công ty vừa và nhỏ để tạo việc làm và tránh bất ổn chính trị”.
Báo cáo cho rằng, 94 trong số 116 nước đang phát triển giảm tốc độ tăng trưởng. Các ngành bị ảnh hưởng nhất cũng là những ngành năng động nhất, như xuất khẩu, xây dựng, khai thác quặng, và sản xuất. Ngày càng nhiều các nước đang phát triển phụ thuộc vào hỗ trợ phát triển, vì xuất khẩu và thu ngân sách giảm.
Trong bài phát biểu tại một hội nghị do Bộ Phát Triển Quốc tế Anh tổ chức tuần qua, ông Yustin Yifu Lin - chuyên gia kinh tế trưởng, đồng thời là Phó chủ tịch cao cấp của Ngân hàng Thế giới - cũng cho rằng, các nước phát triển nên dành một phần trong gói kích cầu của họ để hỗ trợ các nước đang phát triển, vì ảnh hưởng kinh tế đem lại có thể sẽ rất lớn.
“Đầu tư vào cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển để gỡ bỏ nút cổ chai phát triển và kích cầu sẽ có ảnh hưởng kinh tế lớn hơn và phải là một chìa khóa cho nỗ lực phục hồi kinh tế”, ông Justin Lin nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền