1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Năm 2007: Ngành ngân hàng thắng lớn

(Dân trí) - Năm 2007 tiếp tục là một năm sôi động của ngành ngân hàng Việt Nam với tốc độ tăng trưởng huy động vốn ước đạt 36,5% và tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 34%, gấp gần hai lần so với mức dự báo hồi đầu năm.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong năm qua, cơ cấu dư nợ tín dụng đã có sự thay đổi tích cực theo hướng tăng dư nợ cho vay trung, dài hạn và tập trung hỗ trợ cho những ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng như nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản, thúc đẩy xuất khẩu và dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh chứng khoán và tiêu dùng. Hà Nội và TPHCM là hai địa phương có sức hấp thụ vốn lớn nhất.

Tại Hà Nội, nơi tập trung hội sở và đầu mối của hầu hết các ngân hàng trong cả nước, tăng trưởng huy động vốn ước đạt khoảng 44% và tổng dư nợ cho vay ước đạt 38,5% so với năm ngoái.

Ở những địa phương có tốc độ công nghiệp hóa nhanh, các nguồn vốn huy động, thanh toán, cho vay của hệ thống ngân hàng cũng có tốc độ tăng trưởng cao ngoài dự kiến.

Ngoài nguyên nhân khách quan là sự phát triển mạnh của nền kinh tế thúc đẩy nhu cầu vốn tăng cao thì nỗ lực cải cách của toàn hệ thống ngân hàng đã góp phần lớn vào kết quả trên.

Mạng lưới ngân hàng không ngừng được mở rộng với tốc độ rất nhanh. Quy mô vốn và năng lực tài chính được nâng cao rõ rệt. Công nghệ ngân hàng cùng trình độ quản trị điều hành, chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh đó, quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các ngân hàng thương mại trong nước với các tập đoàn tài chính lớn của thế giới, với các doanh nghiệp khác của Việt Nam theo hướng hình thành tập đoàn kinh doanh đa năng được mở rộng và ngày càng chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, trước nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đang tăng cao vào dịp cuối năm, trong khi huy động vốn lại có dấu hiệu chững lại, nhiều ngân hàng cổ phần đã đua nhau tăng lãi suất huy động vốn VND.

Điều này được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cảnh báo về lâu dài có thể gây mất ổn định mặt bằng lãi suất, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng và gây ảnh hưởng đến nền kinh tế trong bối cảnh chỉ số tiêu dùng đang ở mức cao.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), việc chạy đua tăng lãi suất huy động sẽ gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.

“Lãi suất huy động tăng buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay để đảm bảo lợi nhuận, điều này sẽ gây khó khăn cho đầu ra của doanh nghiệp và làm cho chi phí vốn doanh nghiệp cao” - ông Nghĩa phân tích.

Bởi vậy, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam đã ra thông báo yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện lãi suất thỏa thuận trong toàn hệ thống nhằm tránh sự cạnh tranh không lành mạnh và góp phần bình ổn giá, kiềm chế lạm phát; đồng thời có giải pháp duy trì cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để vừa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, vừa đáp ứng nhu cầu thanh khoản của người dân và doanh nghiệp.

Năm 2007 cũng được ghi nhận là một năm tiếp tục thành công của các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế, các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Theo một báo cáo được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tuần trước, tổng tài sản của khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 215.000 tỷ VND, thu nhập trước thuế của khối chi nhánh các ngân hàng nước ngoài và liên doanh ước đạt 2.400 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2007, tại Việt Nam đã có 35 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 ngân hàng liên doanh, 4 công ty cho thuê tài chính có vốn đầu tư nước ngoài và 2 công ty tài chính có 100% vốn nước ngoài.

MT