1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Năm 2005: Ngân hàng ngoại thắng lớn

Theo ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng phi ngân hàng, đến cuối năm 2005, đã có tổng cộng 28 ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh tại Việt Nam, 4 ngân hàng liên doanh và 3 công ty cho thuê tài chính có vốn đầu tư nước ngoài.

Các tổ chức này một mặt là những đối thủ cạnh tranh tiềm tàng đối với các ngân hàng trong nước nhưng lại là kênh truyền dẫn vào Việt Nam những công nghệ ngân hàng hiện đại, nguồn tài chính lớn.

Tăng trưởng nhanh, sinh lời, và thâm nhập sâu vào thị trường.

Mới đây, HSBC - ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam đã chính thức mua lại 10% vốn điều lệ của Techcombank để trở thành nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng cổ phần này. Sự kiện này không chỉ mang lại hài lòng cho hai bên mà còn được xem như là điểm đánh dấu cho một năm thành công của các tổ chức tài chính nước ngoài tại Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm qua, có thêm 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới đi vào hoạt động gồm chi nhánh của Ngân hàng Cathay United - đây là ngân hàng thứ 28 có mặt tại Việt Nam và hai chi nhánh khác là của HSBC và Maybank mở rộng kinh doanh.

Việc mua lại cổ phần các ngân hàng trong nước cho phép các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

Việc mở rộng hoạt động là tín hiệu lớn nhất cho thấy, việc kinh doanh của các ngân hàng ngoại trên đất Việt Nam đang rất thuận lợi. Các con số thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam càng cho thấy rõ điều này.

Năm 2005, tổng tài sản của khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 100.000 tỷ VND (6,3 tỷ USD), tăng 25% so với cuối năm 2004. Thu nhập trước thuế của khối chi nhánh các ngân hàng nước ngoài và liên doanh ước tính tăng khoảng 45%. Đặc biệt, các công ty cho thuê tài chính có vốn đầu tư nước ngoài đã chuyển từ thời kỳ lỗ trong những năm đầu hoạt động sang giai đoạn bắt đầu có lãi trên thị trường Việt Nam.

Điều đáng chú ý nhất trong năm 2005 là sự tham gia tích cực hơn của các ngân hàng nước ngoài trong các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam. Trước khi HSBC trở thành nhà đầu tư chiến lược của Techcombank, ANZ đã mua cổ phần Sacombank hay Standard Chartered mua cổ phần ACB theo tỷ lệ 10% vốn điều lệ của mỗi ngân hàng Việt Nam.

Theo các chuyên gia thì xu hướng này đang được tiếp diễn rất khả quan với việc một số ngân hàng nước ngoài khác cũng đang tiếp cận và sẽ sớm tham gia vào các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước khác của Việt Nam.

Đánh giá về việc tham gia vào ngân hàng cổ phần Việt Nam, ông Alian Cany - Tổng giám đốc HSBC tại Việt Nam cho rằng, sự hợp tác chiến lược này sẽ mang cho cả hai bên những cơ hội phát triển mới. Đối với HSBC, đầu tư vào Techcombak sẽ cho phép tham gia sâu hơn vào thị trường đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam và hy vọng khai thác được mang lưới phân phối toàn quốc của Techcombank.

Bên cạnh các chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành công, thị trường tài chính Việt Nam cũng trở nên sôi động hơn với sự xuất hiện của những công ty chuyên doanh cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mới như cho vay tiêu dùng, các loại hình thẻ thanh toán, cho thuê vận hành. Đặc biệt, các công ty tài chính nước ngoài cũng bắt đầu bày tỏ mối quan tâm đến thị trường Việt Nam và tìm hiểu để thành lập công ty tài chính 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Nhiều lợi nhuận từ thị trường đang phát triển

Đến cuối năm 2005, thị phần của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài xét về dư nợ khoảng hơn 9%, tăng gần 1% so với năm 2004. Tổng dư nợ của tất cả chi nhánh các ngân hàng nước ngoài tăng gần 30% so với năm ngoái, với tổng giá trị cho vay lên tới 49.000 tỷ VND; trong đó, tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ hơn 0,1% xuống chỉ còn 0,06%.

Bên cạnh đó, huy động vốn của chi nhánh các ngân hàng nước ngoài cũng tăng hơn 20%, chủ yếu là tăng từ nguồn huy động tiền gửi mà nhất là dựa vào nguồn tiền gửi của tổ chức và doanh nghiệp, tỷ lệ khách hàng là doanh nghiệp hiện nay là trên 70%, thậm chí lên đến 100%.

Với việc kinh doanh ổn định trong những năm qua, nhiều chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có những chiến lược mở rộng và xây dựng mạng lưới khách hàng khá tốt và đa dạng, một số chi nhánh cũng đã có những bước chuẩn bị cho việc tham gia thị trường bán lẻ.

Hiện nay, đa phần khách hàng của khối này vẫn là các doanh nghiệp, có những chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay 100% khách hàng doanh nghiệp, không có khách hàng cá nhân nhưng điều này có thể sẽ thay đổi rất nhanh trong thời gian tới khi các chi nhánh ngân hàng đang có sự chuyển biến trong chiến lược của mình.

Đặc biệt, với lợi thế của mình, chi nhánh các ngân hàng nước ngoài luôn tiên phong trong việc phát triển và áp dụng các công nghệ hiện đại, các sản phẩm mới tại thị trường Việt Nam như ngân hàng điện tử, hoạt động bao thanh toán...

Bên cạnh đó, các ngân hàng liên doanh tuy vị trí trên thị trường còn khiêm tốn nhưng cũng đạt được mức tăng trưởng trong năm 2005 rất cao với tốc độ huy động động vốn tăng đến 30%. Lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 15% so với năm 2004. Tổng tài sản cũng đã tăng 30% so với  năm trước.

Hiện nay, trên thị trường này có 3 công ty cho thuê tài chính có vốn nước ngoài, hai công ty 100% vốn nước ngoài và một công ty liên doanh, và năm 2005 là năm kinh doanh rất thành công của các đơn vị này. Các công ty cho thuê tài chính có mức tăng trưởng tổng dư nợ cho thuê là 13% so với 2004, đạt giá trị là 1.300 tỷ VND. Tính đến cuối năm 2005, tổng tài sản của 3 công ty này đã đạt 2.000 tỷ VND, tăng gần 20% so với cuối năm 2004.

Năm 2005, cả ba công ty cho thuê tài chính có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đều hoạt động có hiệu quả và đã vượt qua giai đoạn khó khăn sau khi mới thành lập, đa phần các công ty cho thuê tài chính đã bắt đầu có lãi.

Thực tế này, cộng với những chính sách khuyến khích sẽ được ban hành trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước hy vọng các công ty cho thuê tài chính có vốn đầu tư nước ngoài sẽ có những bước phát triển mới mà tín hiệu đầu tiên là các công ty tài chính nước ngoài bắt đầu tìm hiểu để thành lập công ty tài chính 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Năm 2006, các ngân hàng nước ngoài sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh đang thành công tại Việt Nam như: mở rộng mạng lưới, tham gia vào các ngân hàng thương mại cổ phần, cung ứng các dịch vụ hiện đại và phát triển cho vay tiêu dùng...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phùng Khắc Kế cho rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định cùng với sự gia tăng mạnh của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong những năm tới thị trường Việt Nam sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các tổ chức tiền tệ và tín dụng nước ngoài.

Theo Đông Hiếu
VietNamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm