1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Mỹ - Trung xung đột, doanh nghiệp toàn cầu ngày càng điêu đứng

(Dân trí) - Từ các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu đến các mối đe dọa về thị thực và hạn chế đầu tư... đều khiến các công ty trên toàn thế giới điêu đứng bởi tất cả các tin tức tiêu cực này.

Mỹ - Trung xung đột, doanh nghiệp toàn cầu ngày càng điêu đứng - 1

Mối quan hệ Mỹ-Trung đang ngày càng căng thẳng.

Khi quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng và khi chính quyền Tổng thống Trump tung ra một loạt các biện pháp chống Trung Quốc, các công ty toàn cầu buộc phải xoay xở để điều hướng và lập kế hoạch dự phòng cho các rủi ro kinh tế và chính trị dài hạn.

Theo bà Henetta Treyz, Giám đốc chính sách kinh tế của Veda Partners: “Các đề xuất về biện pháp trừng phạt kinh tế không còn được coi là kỳ quặc và ngày càng tăng lên. Hãy cẩn trọng. Chúng tôi dự đoán mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ trở nên căng thẳng hơn trước đây”.

Trước đó, Washington tuyên bố trừng phạt 33 công ty Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 5/6 và đe dọa lệnh cấm đối với tất cả các chuyến bay chở khách Trung Quốc và một số sinh viên Trung Quốc học tập tại Mỹ.

Chính quyền Mỹ cũng tuyên bố sẵn sàng rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giữa đại dịch toàn cầu vì xung đột với Trung Quốc; đe dọa sẽ sử dụng nhiều biện pháp hạn chế thương mại, đầu tư và thị thực sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh với Hồng Kông; và thúc đẩy những lo ngại rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một hoàn toàn có thể sẽ bị hủy bỏ.

Và tất cả những điều đó xảy ra chỉ trong vài tuần qua.

“Đây chỉ là một sự cố của hệ thống thương mại giữa hai nước”, ông Jeff Moon, người đứng đầu bộ phận tư vấn của Moon Strategies và trước đây làm việc với Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ.

Các nhà phân tích cho biết, các doanh nghiệp cần đề phòng cả những động thái trả đũa có thể có của Trung Quốc. Trong đó, bao gồm việc phát hành danh sách các tổ chức không đáng tin cậy của Bắc Kinh; Trung Quốc có thể trừng phạt các công ty nước ngoài bị coi là có hại đối với lợi ích của nước này; Giảm lượng mua hàng nông sản của Mỹ; và hạn chế xuất khẩu đối với các tài nguyên như đất hiếm.

“Các công ty toàn cầu cảm thấy bị chèn ép bởi tất cả các tin tức tiêu cực này”, ông John Holden, giám đốc cấp cao tại công ty tư vấn của McLarty Associates cho biết. “Chúng tôi thực sự cần hít một hơi thật sâu và nghĩ xem chúng tôi sẽ vượt qua điều này như thế nào”, ông nói thêm.

Với các đe dọa đó, các công ty cho biết, lựa chọn tốt nhất của họ là lên kế hoạch dự phòng, đa dạng hóa thị trường, nhà cung cấp và phản ứng nhanh trước những thay đổi.

Nhà bán lẻ thời trang nữ hàng đầu Top It Off cho biết, họ đã tránh được sự gián đoạn nghiêm trọng khi Tổng thống Trump thúc đẩy cuộc chiến thương mại bằng cách hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp lâu đời của Trung Quốc.

“Nếu có một vấn đề nào đó, chúng tôi sẽ tập trung giải quyết nó”, Karena Rasser, người đồng sáng lập cho biết. “Nếu đánh thêm thuế, gia tăng nghĩa vụ quốc gia hay những thứ thuộc về bản chất kinh tế, thì chuyện gì xảy ra cũng sẽ xảy ra. Chúng tôi buộc phải thích nghi”.

Theo các nhà phân tích, nhiều công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc ban đầu cho rằng họ có thể vượt qua cơn bão này. Nhưng nay điều đó đã trở nên ít chắc chắn hơn khi quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng. 

“Thông thường, họ đã nghĩ ra các chiến lược phụ thuộc vào Hồng Kông như là một kế hoạch B, không có sự can thiệp của chính trị và pháp lý của Bắc Kinh, nhưng giờ đây, mọi thứ đã khó khăn hơn”, theo bà Treyz.

Một cuộc điều tra của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc hồi tháng 4 cho thấy, 24% các công ty Mỹ đã lên kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, gấp đôi con số của năm trước.

“Và tình hình Hồng Kông đã làm mọi thứ thêm căng thẳng”, bà Treyz nói thêm.

Thùy Dung

Theo SCMP