Mỹ - Trung không dùng đòn áp thuế trước cuộc đàm phán tại Hội nghị G20?

(Dân trí) - Mỹ và Trung Quốc có thể đồng ý không áp mức thuế quan mới như một cử chỉ thiện chí để cuộc đàm phán diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20.

Mỹ - Trung không dùng đòn áp thuế trước cuộc đàm phán tại Hội nghị G20? - 1

Kỳ vọng cho cuộc họp giữa Mỹ - Trung tại Hội nghị G20 cho đến nay dường như là thấp.

Theo Reuters, Mỹ hy vọng sẽ tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau tại Nhật Bản vào thứ Bảy tới.

Tuy nhiên, Washington sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào xung quanh việc Mỹ sử dụng thuế quan trong tranh chấp, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết vào hôm qua (25/6).

Trước đó, ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế đối với số hàng hóa trị giá 325 tỷ USD bao gồm gần như tất cả những mặt hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc vào Hoa Kỳ nếu cuộc họp với ông Tập không tạo ra tiến triển nào trong việc giải quyết một loạt các khiếu nại của Mỹ xung quanh cách Trung Quốc kinh doanh.

“Hai bên có thể đồng ý không áp mức thuế quan mới như một cử chỉ thiện chí để cuộc đàm phán diễn ra”, quan chức giấu tên này nói, nhưng ông nói không rõ liệu điều đó có xảy ra hay không.

Hoa Kỳ sẽ không tham dự cuộc họp này với những nhượng bộ, quan chức này nói. Thay vào đó, Washington muốn Bắc Kinh quay trở lại bàn bạc về những lời hứa đã bị rút lại trước khi các cuộc đàm phán bị phá vỡ, ông nói.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã không cho thấy sự mềm mỏng trong lập trường của mình và cho rằng cả hai bên nên thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán thương mại và lập nên một thỏa thuận thương mại phải có lợi cho cả hai nước.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He, người đã dẫn đầu các cuộc đàm phán thương mại cho Bắc Kinh, đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin vào đầu tuần này. Họ đang giúp mở đường cho các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo vào cuối tuần này.

Nhưng kỳ vọng cho cuộc họp đó cho đến nay dường như là thấp. Kịch bản cho trường hợp tốt nhất sẽ là nối lại các cuộc đàm phán chính thức, điều này có thể làm giảm bớt nỗi sợ hãi trên thị trường tài chính rằng tranh chấp thương mại vốn đã kéo dài vô tận. Những lo ngại này đã làm suy yếu thị trường toàn cầu và làm tổn thương nền kinh tế thế giới.

Các cố vấn của ông Trump đã nói rằng không có thỏa thuận thương mại nào được mong đợi tại cuộc họp này nhưng họ hy vọng nó sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán sau này.

“Một khi các cuộc đàm phán tiếp tục, hai nước có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để hoàn thành, với một số phần được thỏa thuận sớm và những phần khác cần thêm thời gian”, một quan chức cấp cao của chính quyền Trump nói.

Việc nối lại các cuộc đàm phán có thể khiến mối đe dọa về thuế quan tiếp tục bị trì hoãn, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

Nhưng nếu ông Trump thấy không có tiến triển và quyết định áp thêm thuế, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ xấu đi hơn nữa.

Hồng Vân (Tổng hợp)