Mỹ: Những doanh nghiệp “cười” trong khủng hoảng

(Dân trí) - Trong tình hình kinh tế khó khăn, khi người tiêu dùng Mỹ giảm “cơn nghiện” hàng hiệu và chuyển sang mua sắm ở các cửa hàng giảm giá, thì không chỉ riêng mình Wal-Mart “cười mỉm”.

Elissa Montas, một nhà văn tự do, 30 tuổi, sống tại New York, giờ đây đi mua sắm nhiều hơn tại các cửa hàng bách hoá giảm giá. Cô cũng đi mua hàng cho dịp lễ tết cuối năm sớm để có thể chủ động tài chính và tranh thủ mua hàng giảm giá.

 

Trong lúc đi tìm hàng ở quầy bán đĩa DVD hạ giá cho trẻ em, cô cho biết năm nay cô chẳng mua gì cho mình, mà chỉ tìm hàng giá rẻ cho hai đứa con. Montas và các bạn của cô dùng chung phiếu mua hàng tại các cửa hiệu như Gap, Banana Republic, và Lord & Taylor.

 

Trong khi đó, Leonard Stiff, cũng 30 tuổi, bếp trưởng của một nhà hàng ở Manhattan, cho biết anh đã phải hoãn kế hoạch mua một chiếc TV màn hình phẳng. Anh cũng phải ngậm ngùi bỏ qua chiếc máy nghe nhạc Apple iPod Touch 32GB, để chọn chiếc 16GB Touch. “Có một chút buồn lòng, nhưng nếu bây giờ chi tiêu sáng suốt thì bạn sẽ có tương lai tốt hơn,” Stiff tâm sự.

 

Suy thoái là vấn đề xuất hiện trong hầu hết các bài báo viết về tình hình kinh tế vĩ mô thời gian gần đây: tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nhà mất giá, sự sụp đổ của các ngân hàng, hay mới đây nhất, ngày 14/11, là tin doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 10 sụt giảm kỷ lục.

 

Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ tại thị trường Mỹ đã giảm 2,8% trong tháng trước, mức cao nhất trong vòng 16 năm trở lại đây. Trong đó, giảm mạnh nhất là doanh số ô tô. Giữa bối cảnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ chuẩn bị đón nhận một mùa lễ hội tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

 

Ít quà Giáng sinh hơn

 

Craig Von Bargen, 58 tuổi, chuyên viên tư vấn kỹ thuật của công ty Coeur d'Alene Mines Walnut Creek, tiểu bang California, cũng đang phải tiết kiệm chi tiêu hết mức có thể. Dù chưa bao giờ cảm thấy bị đe doạ bởi nguy cơ mất việc, nhưng tình hình kinh tế chung đủ khiến ông Von Bargen và vợ phải giảm chi tiêu. Thay vì tặng nhau thật nhiều quà trong mùa lễ tết năm nay, họ quyết định chỉ tặng nhau một hai món.

 

Nhìn chung, sự thay đổi trong chi tiêu của những người tiêu dùng như cô Montas, anh Stiff, và ông Von Bargen đang có tác động lớn đến thị trường bán lẻ. Hệ thống cửa hàng bán lẻ đồ điện tử Circuit City đã nộp hồ sơ xin phá sản hôm 10/11, do doanh số thấp và các nhà cung cấp bắt đầu e ngại họ không đủ khả năng thanh toán tiền hàng.

 

Hai ngày sau, đối thủ của họ là Best Buy tuyên bố hạ dự báo doanh thu, lấy lý do là sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh khó khăn chưa từng thấy. “Người tiêu dùng hầu như không đi mua sắm trong tháng 10, trong khi sự lo lắng về tình hình kinh tế đã lên đến đỉnh điểm. Khi tình hình ngày càng xấu, người tiêu dùng cắt giảm mọi chi tiêu, trừ hàng hoá thiết yếu,” bà Rosalind Wells, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội bán lẻ quốc gia Mỹ, nhận xét.

 

Vậy câu hỏi đặt ra là người tiêu dùng mua hàng hoá thiết yếu phục vụ cuộc sống ở đâu? Theo kết quả khảo sát hành vi và kế hoạch mua sắm của người tiêu dùng Mỹ trong mùa lễ hội 2008 do công ty BIGresearch thực hiện, 40% người mua hàng cho biết chính sách giảm giá, khuyến mại là yếu tố lớn nhất quyết định nơi mua sắm của họ.

 

Ngày 13/11, Wal-Mart Stores đã thông báo doanh thu quý III năm nay tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn giảm ước tính lợi nhuận cả năm, do tình hình kinh tế khó khăn và đồng USD lên giá trở lại.

 

Tập đoàn bán lẻ này cho biết chính sách giá rẻ và giảm giá mùa lễ tết của họ đang thu hút đối tượng khách hàng quan tâm đến nhiều đến giá cả. “Theo tôi, không còn gì nghi ngờ về việc đây là thời của Wal-Mart time,” ông H. Lee Scott Jr., chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Wal-Mart, phát biểu trong một cuộc họp với giới phân tích và các nhà đầu tư ở Bentonville, tiểu bang Arkansas. Nhắc đến người thành lập tập đoàn, ông nói: “Đây chính là môi trường kinh doanh mà Sam Walton đã xây dựng công ty”.

 

Mỹ: Những doanh nghiệp “cười” trong khủng hoảng - 1
 

Trong suốt mấy thập kỷ qua, Wal-Mart đã xây dựng hình ảnh là nơi mua hàng giá rẻ của tất cả mọi người. Theo chuyên gia phân tích Bill Dreher của Deutsche Bank, mùa lễ hội cuối năm nay sẽ là “một Giáng sinh của Wal-Mart.”

 

Tập đoàn bán lẻ số 1 thế giới này đã lên kế hoạch thu hút khách hàng của các doanh nghiệp khác trong mùa lễ hội năm nay bằng việc mở cửa hàng Giáng sinh bên trong hệ thống cửa hàng của họ từ tháng 10. Wal-Mart cũng đã hứa hẹn bán một số mặt hàng với giá rẻ nhất thị trường, như búp bê Barbie và bộ đồ chơi Hot Wheels giá 10 USD, hay bộ trang trí cây Noel giá 5 USD.

 

Không chỉ có Wal-Mart, khi người tiêu dùng hạ tiêu chuẩn mua sắm và săn tìm hàng giá rẻ thì những cửa hàng giá rẻ, như 99 Cents Only Stores (cửa hàng giá 99 xen), BJ's Wholesale Club, Costco, Big Lots, hay Dollar General, cũng chứng kiến doanh số tăng. Các cửa hàng Dollar Tree và Family Dollar Stores thậm chí còn có doanh số tăng trưởng hai con số trong 2 quý vừa qua.

 

Thời điểm “vàng” cho người tiêu dùng

 

Trong khi ngành kinh doanh nhà hàng ở Mỹ nhìn chung lâm vào khó khăn khi người tiêu dùng giảm chi tiêu, thì một số hệ thống vẫn làm ăn tốt. Ông Jeremy Schumacher, quản lý một nhà hàng Applebee ở Columbus, tiểu bang Ohio, cho biết trong 3 tháng qua, số thực khách đến nhà hàng của ông đã tăng trung bình 200 người, đem về thêm khoảng 4.000 USD/tuần.

 

“Khách hàng rất hài lòng với chính sách giờ “vàng” của nhà hàng, khi giá đồ uống và thức ăn giảm một nửa.” Ông Schumacher cho rằng những người có thu nhập cao, mà trước đây không bao giờ tới nhà hàng của ông, thì nay đã tới. “Chúng tôi có giá bán hợp lý, và mọi người bắt đầu nhận ra điều đó,” ông nói.

 

Người tiêu dùng vẫn tìm ra cách tiết kiệm tiền, như chuyển từ dùng hàng hiệu sang các tên tuổi bình dân hơn. Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, doanh số tiêu thụ tại Mỹ của các hàng hoá thương hiệu nhỏ tăng 10% tính đến ngày 28/6, trong khi doanh số của các thương hiệu lớn, tiêu thụ cả nước, chỉ tăng 4%.

 

Người tiêu dùng Mỹ đang thực sự phải thắt lưng buộc bụng và thay đổi quan niệm. Stiff, là một ví dụ. Anh không phiền lòng lắm khi phải giảm mua sắm đồ điện tử, nhưng anh không vui khi tình hình kinh tế khó khăn gây ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội của mình. “Tôi là một anh chàng độc thân, nhưng giờ đây việc hẹn hò ngày càng trở nên tốn kém. Với hầu hết phụ nữ, đi xem phim và ăn đồ McDonald's không phải là một cuộc hẹn mà họ mong muốn,” Stiff nói.

 

Đặng Lê

Theo Business Week, IHT