Mỹ liệt vào “danh sách đen” thêm 33 doanh nghiệp, tổ chức Trung Quốc
(Dân trí) - Mỹ đưa ra cáo buộc những doanh nghiệp này đã giúp đỡ Bắc Kinh trong việc giám sát người Duy Ngô Nhĩ, hoặc có liên quan tới vũ khí hủy diệt hàng loạt và quân đội Trung Quốc.
Động thái của Bộ Thương mại Mỹ đã đánh dấu những nỗ lực gần đây nhất của chính quyền Tổng thống Trump trong việc trấn áp các công ty hỗ trợ hoạt động quân sự của Trung Quốc, đồng thời trừng phạt Bắc Kinh vì cách đối xử với các dân tộc thiểu số người Hồi giáo.
Lệnh cấm vận với 33 tổ chức này được Mỹ công bố cùng thời điểm các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiết lộ chi tiết về kế hoạch áp đặt luật an ninh quốc gia lên Đặc khu hành chính Hồng Kông.
Có 7 công ty và 2 tổ chức được cho là “đồng lõa vi phạm nhân quyền trong các chiến dịch đàn áp, giam giữ người hàng loạt, cưỡng bức lao động và giám sát công nghệ cao của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và những tộc người khác”.
Theo thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ, hơn 20 công ty, cơ quan chính phủ và các tổ chức thương mại khác cũng đã bị liệt vào danh sách trừng phạt vì hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, vũ khí để quân đội Trung Quốc sử dụng.
Các công ty bị cấm vận tập trung chủ yếu vào trí tuệ nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt - những lĩnh vực mà các công ty chip của Mỹ như Nvidia Corp và Intel Corp đều đang đầu tư rất mạnh.
Trong số các công ty bị thêm vào danh sách đen đợt này có NetPosa - một trong những công ty AI nổi tiếng nhất Trung Quốc. Công ty con trong lĩnh vực nhận diện khuôn mặt của NetPosa bị cho là có liên quan đến hoạt động giám sát người Hồi giáo.
Một cái tên khác là Qihoo360 - một doanh nghiệp tư nhân lớn về an ninh mạng từng hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ vào năm 2015. Gần đây, công ty này tuyên bố đã đã tìm được bằng chứng cho thấy các công cụ đột nhập dữ liệu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã được sử dụng để nhắm vào lĩnh vực hàng không Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ đã bổ sung các công ty và tổ chức này vào “danh sách thực thể”, tức nhóm đối tượng sẽ bị giới hạn mua hàng của Mỹ cũng như một số mặt hàng hạn chế khác được sản xuất ở nước ngoài với công nghệ Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ có thể nộp đơn xin phép giao dịch với những công ty này nhưng phải trải qua quá trình xem xét nghiêm ngặt và phải chứng minh được giao dịch không gây tổn hại tới an ninh quốc gia Mỹ.
Công ty CloudMinds do Tập đoàn Softbank của Nhật Bản góp vốn cũng bị thêm vào danh sách cấm vận đợt này. CloundMinds vận hành một dịch vụ dựa trên thuật toán đám mây để chạy các robot phiên bản Pepper, một robot hình người có khả năng giao tiếp đơn giản. Năm ngoái, công ty đã bị cấm chuyển giao công nghệ hoặc thông tin kỹ thuật từ chi nhánh Mỹ về các văn phòng ở Bắc Kinh.
Hiện Hiện Qihoo, NetPosa và CloudMinds vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Xilinx Inc, công ty bán dẫn của Mỹ, cho biết ít nhất một trong số các khách hàng của họ có tên trong danh sách đen nhưng vẫn tin tưởng rằng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh sẽ không đáng kể.
“Công ty Xilinx đã nắm được thông tin về danh sách cấm vận gần đây của Bộ Thương mại và đang đánh giá liệu có tác động kinh doanh tiềm ẩn nào hay không. Chúng tôi sẽ tuân thủ mọi quy tắc và quy định mới mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra”, phía công ty cho biết.
Trước đó, vào tháng 10/2019, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã đưa 28 tổ chức và công ty an ninh công cộng Trung Quốc vào danh sách đen với cáo buộc vi phạm nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ. Danh sách bao gồm một số công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo hàng đầu Trung Quốc và Hikvision - công ty chuyên về camera giám sát. Đây là lần đầu tiên chính quyền Tổng thống Trump áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế với lý do nhân quyền.
Washington cũng thực hiện các hành động tương tự trong nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của tập đoàn công nghệ Huawei vì lý do liên quan đến an ninh quốc gia. Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã hành động để giảm khả năng tiếp cận của Huawei đối với các nhà sản xuất chip.
Hương Vũ
Theo Reuters