Mỹ, Hàn kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do

(Dân trí) - Sau gần 10 tháng đàm phán bền bỉ và bị gián đoạn bởi các cuộc biểu tình bạo lực, cuối cùng Mỹ và Hàn Quốc đã đi tới những thoả thuận cuối cùng cho hiệp định tự do thương mại (FTA) vào hôm qua, 2/4.

FTA Mỹ-Hàn được coi là hiệp ước lớn nhất mà Mỹ đã ký kết kể từ sau Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) năm 1992. Theo đó, thị trường Hàn Quốc - vốn được bảo hộ chặt chẽ suốt nhiều năm qua, sẽ được mở cửa cho các nhà đầu tư Mỹ.

 

Hai quốc gia bắt đầu đàm phán cắt giảm thuế và các rào cản thương mại khác vào tháng 7 năm ngoái tại Washington, sau đó luân phiên địa điểm tại 2 nước. Suốt nhiều tháng ròng, những bất đồng trong các lĩnh vực như ô tô, nông nghiệp, may mặc, dược phẩm… là trở ngại chính cho các vòng đàm phán.

 

Mỹ, Hàn kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do  - 1

Đông đảo người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối hiệp định thương mại Mỹ-Hàn. 

Một vấn đề lớn nữa khiến 2 quốc gia bất đồng là sản phẩm thịt bò của Mỹ - loại hàng hoá đã vắng bóng trên thị trường Hàn Quốc hơn 3 năm kể từ khi dịch bò điên được phát hiện tại Mỹ năm 2003. Mỹ từng tuyên bố hiệp định sẽ không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn trừ khi tranh cãi này được giải quyết.

Trong vòng đàm phán cuối cùng tổ chức tại Seoul, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Hyun-chong, Phó đại diện thương mại Mỹ Karan Bhatia và các cố vấn đã nỗ lực làm việc suốt 8 ngày liên tiếp, đôi khi thâu đêm để đi tới thoả thuận.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ chi tiết của các thoả thuận dẫn tới sự thống nhất về các vấn đề trên. Steve Norton, phát ngôn viên của Phòng đại diện thương mại Mỹ cho biết, chi tiết của hiệp định sẽ được công bố trong một cuộc họp báo sớm nhất.

Cơ hội xuất khẩu

 

Đây được coi là sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển kinh tế giữa 2 quốc gia. Hiện kim ngạch song phương 2 chiều Mỹ, Hàn đạt 78 tỉ USD/năm.

 

Tại Seoul, Tổng thống Roh Moo-hyun đã đề cao thoả thuận là “bước đi bàn đạp cho một bước nhảy vọt kinh tế khác nhằm đưa Hàn Quốc gia nhập bảng xếp hạng các quốc gia phát triển của thế giới”.

 

Phát biểu từ Washington, Tổng thống Mỹ George W. Bush cũng chào đón sự kiện này. Ông Bush nói: “Hiệp định thương mại tự do sẽ tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các nông dân Mỹ, các chủ trang trại, nhà sản xuất, các nhà cung cấp dịch vụ, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ”.

 

Ông Bush cũng nhấn mạnh: “Hiệp định sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác gắn bó giữa 2 nước - sức mạnh cho sự ổn định và thịnh vượng tại châu Á”.

 

Lo ngại của phía Hàn Quốc

 

Không ít người Hàn Quốc và các nhóm nông nghiệp phản đối hiệp định tự do thương mại Mỹ-Hàn. Họ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trên khắp đất nước, đặc biệt là tại thủ đô Seoul, do lo ngại sự tràn ngập các sản phẩm của Mỹ sẽ cắt giảm việc làm và gây nguy hại cho kế sinh nhai của người dân địa phương.

Một người biểu tình phẫn nộ tới mức đã 3 lần tự đốt quần áo gần một khách sạn ở Seoul nơi các cuộc đàm phán diễn ra. Trong khi đó các nhà chính trị đối lập chọn phương án nhịn ăn để phản đối hiệp định.

Tuy nhiên, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Hàn Quốc nói: “Với Hàn Quốc, FTA sẽ đảm bảo các sản phẩm của họ được tiếp cận ưu đãi với thị trường Mỹ - thị trường lớn nhất thế giới, trước các nhà cạnh tranh khác như Trung Quốc và Nhật Bản”.

Sau Singapore, Hàn Quốc là đồng minh thứ 2 tại châu Á hoàn thành hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Một hiệp định tương tự với Malaysia đã bị hoãn lại sau khi hai bên không vượt qua hàng loạt các bất đồng, trong đó có lĩnh vực ngân hàng và chế tạo ô tô.

 

VTH

Theo IHT, BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm