Mỳ gói có phẩm màu E102 vẫn an toàn

(Dân trí) - Trước quan ngại ngày càng tăng cao của người dân về tác hại của phẩm màu E102 trong thực phẩm, chiều 21/7 Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Việt Nam (Codex) đã có thông báo chính thức, khẳng định E102 được sử dụng trong chế biến thực phẩm.

Những quan ngại của người dân và báo chí nổi lên sau khi xuất hiện mẩu quảng cáo mỳ Tiến vua bò cải chua của công ty Masan lặp đi lặp lại trên truyền hình với thông điệp nước pha mỳ gói có màu sậm chứng tỏ có sử dụng phẩm màu tartrazine (E102), chất mà công ty này khẳng định là "độc hại".

 

Nhiều thông tin trái chiều đã được đưa ra, như E102 bị hạn chế sử dụng tại Nhật Bản, hay một số nghiên cứu cho rằng chất này có thể gây hại đến hành vi của trẻ, có nguy cơ gây bệnh hen... khiến dư luận hoang mang khi hàng loạt thực phẩm ở Việt Nam từ mỳ gói (trong đó có cả mỳ của Masan), thạch hay thậm chí thuốc Tây đều có sử dụng loại phẩm màu này.

 

Trong tháng 6/2010, Cục ATVSTP (Bộ Y tế) đã đưa ra thông báo, khẳng định phẩm màu E102 trong thực phẩm an toàn cho người sử dụng nếu nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, Cục này vẫn có đề nghị gửi Ủy ban Codex Việt Nam đề nghị cung cấp thông tin rõ ràng về vấn đề này.

 

Trong thông báo chính thức của mình chiều 21/7, Codex Việt Nam khẳng định việc sử dụng E102 ở hàm lượng cho phép an toàn cho người tiêu dùng. Theo Codex Việt Nam, thông báo chính thức này được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia và được các cơ quan, tổ chức quốc tế về phụ gia thực phẩm tư vấn tại Hội nghị Đại hội đồng Codex thế giới vừa tổ chức tại Thụy Sỹ từ ngày 4 - 10/7 vừa qua.

 

Theo đó, Codex Việt Nam khẳng định: E102 đã được Ủy ban hỗn hợp chuyên gia  về phụ gia thực phẩm quốc tế FAO/WHO (gọi tắt là JECFA) cũng như Hội đồng khoa học thuộc Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) nghiên cứu đánh giá nhiều lần trên cơ sở các bằng chứng khoa học và thực nghiệm đều thống nhất quy định mức ăn vào hàng ngày chấp nhận được (ADI) là 7,5mg/kg thể trọng/ngày. E 102 vẫn nằm trong Danh mục các chất phụ gia thực phẩm của Codex (cập nhật 2010), có quy định đặc tính kỹ thuật, mức ADI=7,5.

 

Cũng theo Codex Việt Nam, đến nay các nước EU, Mỹ và các quốc gia trong ASEAN vẫn cho phép sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm. Ban Kỹ thuật Codex quốc tế về phụ gia thực phẩm (CCFA) đang hoàn thiện các Điều khoản quy định mức tối đa (MLs) của E102 cho khoảng 80 loại thực phẩm thuộc các nhóm khác nhau, trong đó có mỳ ăn liền với mức tối đa là 300mg/kg.

Theo Codex Việt Nam, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng các loại thực phẩm có Tartrazine đúng hàm lượng. Cơ quan này cũng nói sẽ tiếp tục cập nhật và phân tích các tài liệu khoa học của thế giới đối với E102 để đưa ra các khuyến nghị kịp thời và chính xác giúp Cục ATVSTP và các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm xây dựng các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.

 

Trước đó, mẩu quảng cáo mỳ Tiến vua bò cải chua của Masan đã gây ra những hiệu ứng không nhỏ trong giới người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất mỳ gói. Các nhà sản xuất cho rằng mẩu quảng cáo này cố tình đưa đến người tiêu dùng nhận thức sai, thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh. Hiện nay lá đơn khiếu nại của một DN khác về mẩu quảng cáo này vẫn nằm trong tay Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), song Cục này chưa có câu trả lời trong khi yêu cầu chỉnh sửa nội dung quảng cáo của Cục ATVSTP đưa ra vẫn chỉ nằm trên giấy.

 
Hồng Kỹ