Mỹ công bố kế hoạch 2.000 tỷ USD cứu ngành tài chính

(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner vừa đưa ra cam kết sẽ dành 2.000 tỷ USD để kích thích hoạt đông cho vay và giải quyết số tài sản xấu tại các ngân hàng.

Mỹ công bố kế hoạch 2.000 tỷ USD cứu ngành tài chính - 1
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy
Geithner.
Thị trường chứng khoán Mỹ mất điểm, cổ phiếu nhóm ngành tài chính mất điểm nhiều nhất bởi nhà đầu tư lo ngại về việc kế hoạch hỗ trợ các ngân hàng chưa đủ để giải quyết được vấn đề hiện nay của các ngân hàng.

Bộ trưởng Timothy Geithner cho biết sẽ mất nhiều thời gian, kế hoạch của Chính phủ mới phát huy tác dụng. Những điểm chính trong kế hoạch của Bộ Tài chính Mỹ như sau:

- Lập ra một quỹ chung của Chính phủ và tư nhân để mua lại khoảng 1.000 tỷ USD tài sản xấu.

- Lập ra một chương trình trị giá 1.000 tỷ USD hỗ trợ tín dụng cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

- Bơm vốn vào các ngân hàng, áp dụng chế tài chặt chẽ hơn, hạn chế mức cổ tức, các vụ thâu tóm và mức lương cho giám đốc điều hành.

Theo kế hoạch mới, các nhà hoạch định chính sách kinh tế sẽ buộc các ngân hàng phải trải qua thanh tra để quyết định về tình trạng vốn của họ. Bộ Tài chính, Cục dự trữ liên bang (FED) và nhiều người đứng đầu thị trường tài chính Mỹ sẽ đưa ra tiêu chí và quy trình thanh tra cụ thể.

Mục đích chính của việc này là đảm bảo ngân hàng lớn nhất nước này có thể vượt qua thời kỳ khó khăn của nền kinh tế.

Ngân hàng nào không có đủ vốn sẽ được nhận thêm tiền từ Chính phủ dưới dạng chứng khoán ưu đãi chuyển đổi. Ngân hàng tham gia chương trình này sẽ phải chấp nhận giảm cổ tức, hạn chế mua lại cổ phiếu, hạn chế các vụ thâu tóm, thưởng cho giám đốc điều hành và tiền thưởng khi rời công ty. Tất cả khoản chi tiêu lớn đều phải công bố.

50 tỷ USD sẽ dành để ngăn tỷ lệ thu hồi nhà đất tiếp tục tăng cao. Ngân hàng nào nhận tiền từ chính phủ sẽ buộc phải tham gia vào ngăn tỷ lệ thu hồi nhà đất. FED và Bộ Tài Chính sẽ đưa ra chương trình giảm lượng tiền người dân phải trả hàng tháng và chuyển đổi các khoản vay.

Ngọc Diệp (theo Bloomberg)