Mỹ có thể bớt khó tính với tôm nhập khẩu
Trong tài khoá 2006, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ kiểm tra dư lượng kháng sinh trong 950 mẫu thủy sản nhập vào nước này. Riêng với tôm, giới kinh doanh dự đoán, hàng rào kỹ thuật có thể "dễ thở" hơn so với trước.
Chloramphenicol, Fluoroquinolones, Nitrofurans, Oxytetracyline, Malachite green... vẫn là những kháng sinh đứng đầu danh sách kiểm tra của năm nay.
FDA cũng đã công bố kết quả kiểm tra dư lượng kháng sinh thủy sản năm 2005. Có 536 mẫu sản phẩm của 15 nước nhập khẩu đã được FDA lấy để kiểm tra dư lượng 7 loại kháng sinh. Trong đó, 280 mẫu bị kiểm tra Chloramphenicol, 39 mẫu thử Nitrofurans. Dư lượng kháng sinh Fluoroquinolones được chú ý, đứng hàng thứ 2 với 108 mẫu kiểm tra. 18 mẫu còn lại được kiểm Malachite green, nhưng không thử trên tôm.
Tin từ Hiệp hội Thủy sản quốc gia Mỹ cho biết, FDA sẽ tiếp tục giảm việc kiểm tra dư lượng kháng sinh Chloramphenicol trong tôm ở những đợt kế tiếp. Một tin đáng mừng nữa là các mẫu tôm được FDA kiểm tra đều âm tính với Fluoroquinolones, Nitrofuran và Oxytetracyline.
Đánh giá của giới kinh doanh thủy sản, những hàng rào kỹ thuật về tôm nhập khẩu vào Mỹ có thể dễ thở hơn trong năm nay so với trước, tuy nhiên, các nhà chế biến xuất khẩu cũng không thể vì thế mà lơ là việc nâng cao chất lượng tôm.
Bộ Thủy sản vừa phê duyệt chiến lược xúc tiến thương mại 2006-2010, đồng thời xây dựng thương hiệu Việt Nam cho sản phẩm tôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Nhật.
16 chương trình hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài cũng được Bộ cùng Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đưa ra nhằm khảo sát những thị trường tiềm năng và thị trường mới, tăng cường mối quan hệ với các nhà tiêu thụ ở những thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật...
Biện pháp nâng cao chất lượng thủy sản xuất khẩu mà Bộ đang quyết tâm thực hiện trong năm là xây dựng cho được hệ thống truy xuất nguồn gốc, tạo mối liên kết giữa người nuôi và nhà chế biến, người cung cấp nguyên liệu chăn nuôi để đảm bảo chất lượng sạch thủy sản.
"Việc truy xuất nhanh, đầy đủ nguồn gốc sản phẩm sẽ giúp thủy sản Việt Nam hội nhập nhanh với các thị trường lớn, vượt qua những rào cản kỹ thuật dễ dàng hơn", Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
Bà Minh cũng khẳng định, thị trường trọng tâm của xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm nay vẫn là EU, Mỹ, Nhật và những thị trường châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc...
Chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu trong năm 2006 của toàn ngành thủy sản Việt Nam là 2,8 tỷ USD, tăng 300 triệu USD so với kế hoạch năm 2005.
Theo VnExpress