Mưu sinh mùa dịch Covid-19: “May mắn nhất là mình bình an và có việc làm”
(Dân trí) - Chị Hà, nữ thợ may trên đường Trúc Bạch (Hà Nội) hào hứng khi đón những vị khách đầu tiên trở lại sau những ngày khu phố nhà chị bị cách ly vì dịch Covid-19.
Đúng 21h05 tối ngày 20/3, chị Hà vỡ òa trong niềm hạnh phúc trước thông báo phố Trúc Bạch (Hà Nội) chính thức được gỡ bỏ lệnh cách ly sau 14 ngày vì dịch Covid-19. Chị vui vì cả gia đình được bình an, người thân được an toàn và hơn thế nữa là chị được trở lại làm việc, công việc của một thợ may hàng ngày.
Từ ngày khu phố nhận lệnh phong tỏa, cửa hàng của chị Hà cũng như bao người khác phải tạm thời đóng cửa. So với các nghề còn lại, chị cảm thấy may mắn vì vẫn có việc để làm. Bởi chị còn có thể ở nhà may tiếp những chiếc áo dang dở mà khách đặt trước đó. Chỉ khác rằng, trong 14 ngày khu phố nhà chị bị cách ly, khách hàng và thợ may chỉ gặp nhau qua màn hình điện thoại.
Chị Hà tâm sự, mọi người từ khi biết tin khu nhà chị bị cách ly thì thường xuyên gọi điện đến hỏi thăm, động viên mỗi ngày. Nhiều khách còn đặt may thêm quần áo để ủng hộ cửa hàng. Nhờ thế mà chị luôn chân luôn tay trong suốt 14 ngày nghỉ dịch.
“Những ngày đầu tôi cũng khá lo lắng vì cuộc sống tự nhiên bị đảo lộn nhưng sau đó cũng quen dần. Bởi trong lúc dịch bệnh, có lẽ, điều may mắn nhất là gia đình đều được bình an và mình có một công việc để làm” – chị nói.
Hòa vào niềm vui chung, anh Phan Anh Tuấn (Trúc Bạch, Hà Nội) cũng khai kéo ngay sau khi có “tin mừng”. Ông chủ quán tóc hào hứng, vui sướng ra mặt khi được trở lại với công việc quen thuộc gần 30 năm nay. Bởi sau 14 ngày khu phố cách ly, bộ dụng cụ cắt tóc của anh đang nằm buồn thiu trong góc tủ bỗng chốc được “tái sinh” trở lại. Từ nay, người thợ sẽ có việc làm, khách có nơi dừng chân và cuộc sống trở về với những gì vốn có.
Không chỉ riêng với Trúc Bạch, nhiều tuyến phố kinh doanh ở Hà Nội cũng đang rơi vào tình trạng “kín cổng cao tường” trong suốt những ngày dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp, công ty, nhà hàng, khách sạn đứng trước bờ vực phá sản. Đồng nghĩa với việc hàng nghìn người lao động có nguy cơ mất việc trong tương lai.
Bởi thế, anh Tuấn cho rằng, ngày nào bản thân còn được làm việc, đó chính là ngày hạnh phúc. "Với tôi, may mắn nhất bây giờ là ngày mở lại quán vẫn có khách ghé thăm và tôi được làm việc" - anh Tuấn nói.
Hoàng Dung