Muôn nẻo quà tết sang Tây

Cứ đến tháng giáp tết, hàng chục đặc sản Việt như lá chanh, bánh chưng, bánh tết đến củ kiệu… lại lên máy bay, xuống tàu đi khắp thế giới. Hương vị tết Việt đã đi khắp thế giới.

Đặc sản xuất ngoại

Về Việt Nam trước tết được chừng 2 tháng, anh Nguyễn Văn Huyên ở Hải Dương lại tất tả trở về Séc bận rộn với mùa bán hàng cuối năm. Đợt sang Séc lần này, gia đình anh có 3 người nhưng ba lô hàng lỉnh kỉnh lên tới 60, 70kg. Hầu hết tất cả các hộp hàng đều là thực phẩm bao gồm: sả cây, lá chanh, hành khô, tỏi tươi cây...

Anh Huyên cho biết: "ở một số nước đông người Việt Nam sinh sống như Séc, Đức... thì các mặt hàng như gạo nếp, rau muống, đến đồ khô như nấm hương, măng miến đã được bà con đưa sang rất nhiều. Thậm chí, có rất nhiều cửa hàng bán đồ Việt Nam tại nước bạn. Tuy nhiên, ngày tết, đặc trưng vùng, đặc biệt là gia vị rất đắt đỏ.

Trên đất nước Nga, nơi nào có người Việt sinh sống là nơi đó có những khu chợ chuyên bán những sản phẩm quê hương phục vụ nhà nhà đón Tết. Xét theo tiêu chuẩn Tết truyền thống "thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ" thì ở Nga người Việt ăn Tết cũng chẳng thiếu thứ gì.

Có thể dễ dàng mua bánh chưng gói sẵn; hàng trăm quầy hàng khô được bày la liệt. Từ chai nước mắm nhãn hiệu Phan Thiết, cho đến củ tỏi, củ hành, rau húng, rau thơm... Người Việt tại Nga gia đình nào cũng có bàn thờ gia tiên. Nhìn lên bàn thờ có mâm ngũ quả, bánh chưng, mứt Tết, hương trầm, rượu, kim ngân... thậm chí có gia đình còn treo cả câu đối, và một lọ hoa tươi... cứ hệt như đón Tết cổ truyền tại quê hương vậy.

Muôn nẻo quà tết sang Tây

Trở về Việt Nam sau 8 năm xa cách, trong hành trang đi Nga lần này của chị Nguyễn Thị Thu Hà (Nam Thanh, Nam Trực, Nam Định) là khoai lang, sen, long nhãn, vải khô.

Trong khi đó nhà chị Lê Thị Mai Hoa ở Rathenau str 2, Jena, Đức luôn luôn nhận được những loại hải sản từ nhà gửi sang. Cá thu nướng trên thuyền, cắt khúc, cá khô, cá chỉ vàng, tôm chua... là món ăn gia đình chị được nhận từ Việt Nam gửi sang".

Nguyễn Văn Mạnh đang làm việc ở Berlin, Đức (quê ở Khoái Châu, Hưng Yên) mới nhận từ nhà gửi sang một quả mít nặng 10kg. Mít mang sang tới nơi đúng vừa chín, bổ ra cho mọi người ăn. Hôm đó có chục người được ăn bữa mít thoải mái. Ai cũng tấm tắc khen ngon. Quả thật, mấy năm rồi mới được ngửi, ăn mít, cảm giác rất thích thú.

Khác với ở Nga, tại Hàn Quốc rất hiếm cửa hàng đồ Việt, nhóm sinh viên Việt tại Seoul (Hàn Quốc) lại phải tìm đến Asian mart để mua đồ gia vị cho ngày tết. Giá đắt, mặt hàng lại không phong phú, để có một cái tết đúng nghĩa tết Việt tại xứ sở kim chi, các bạn phải đặt hàng trước những người có lịch về nước chuẩn bị sang.

Trần Thị Quỳnh, một sinh viên kinh tết tại Seoul chia sẻ: "Ở đây có bánh chưng nhưng giá rất đắt, mình thường nhờ gửi từ nhà, các gia vị khác thì nhờ gửi mua, giá chênh lệch khoảng 50%.

Mở đường xuất khẩu

Đến nay, nhiều công ty đã làm dịch vụ cung ứng mặt hàng này. Một công ty ở Tp Hồ Chí Minh đã nhiều năm thành công trong việc xuất khẩu đặc sản tết Việt.

Nếu như những năm trước đó, mặt hàng lá chanh, lá chuối đã là mặt hàng được nhiều người biết đến thì năm nay, các mặt hàng đặc trưng vùng như bánh hỏi, bánh ít, bánh tét... xuất ngoại ngày càng nhiều. Theo lãnh đạo công ty, ngoài ra, các loại lá dứa, lá chanh, lá ớt (các loại lá thơm), ngọn rau khoai lang cũng được công ty thu mua xuất khẩu. Hiện mỗi tháng công ty này xuất 5 - 6 container các loại lá, bánh và nông sản của Việt Nam sang thị trường EU, Mỹ, Úc...

Trong khi đó, một DN nổi tiếng với sản phẩm hoa quả chế biến cho biết, lô hàng hơn chục tấn trái cây sấy khô phục vụ cho Tết Quý Tỵ 2013 của công ty đã xuất cảng để kịp đến với kiều bào ở nước ngoài.

Bên cạnh những mít, chuối, dứa sấy như mọi năm.. Năm nay, DN xuất khẩu thêm hộp ngũ quả gồm: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, thơm sấy và kẹo đậu phộng đi các thị trường Mỹ, Úc, Trung Quốc...

Trong khi đó, một DN khác đã khai thác lâu năm ở thị trường Pháp cho biết, năm nay, công ty mở thêm một thị trường mới cho sản phẩm của mình tại Nhật Bản. Đầu năm 2013 sẽ xuất khẩu hai container kiệu muối chua sang Nhật Bản theo hợp đồng ký kết với một công ty Nhật để đáp ứng nhu cầu thưởng thức hương vị Tết của bà con Việt kiều

Sản xuất hàng Tết càng phải tuân thủ gắt gao các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tất cả các nguyên liệu để làm bánh chưng đều được sản xuất theo một quy trình khép kín từ chăn nuôi, trồng trọt đến chế biến. Các loại trái cây này được xử lý an toàn, đạt tiêu chuẩn HACCP và những quy định khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ.

Theo Nam Hương
VEF