Muốn gỡ “thẻ vàng” thủy sản, phải giám sát hành trình tàu cá

(Dân trí) - Từ năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam do liên quan tới nạn đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý theo quy định (IUU), kéo thị trường này từ vị trí là nhà tiêu thụ thủy sản số 1 năm 2017 của Việt Nam xuống thứ 4 trong năm 2018.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản cho biết, khi Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng “thẻ vàng” thì các nước xuất khẩu thủy sản vào thị trường này sẽ vô cùng khó khăn để mở cửa trở lại.

Trong buổi làm việc với bà Heidi Hautala - Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) hồi đầu năm 2019 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập tới việc EC áp dụng “thẻ vàng” liên quan đến hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam.

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định, cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã tập trung vào cuộc, triển khai quyết liệt các giải pháp để khắc phục các khuyến nghị của EC, trong đó xác định nhiệm vụ ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác là nhiệm vụ trọng tâm.

Muốn gỡ “thẻ vàng” thủy sản, phải giám sát hành trình tàu cá - 1
Việt Nam bị EC áp dụng "thẻ vàng" thủy sản từ năm 2017

Chủ trương của Việt Nam là thực hiện chính sách phát triển nghề cá bền vững; phòng, chống và hướng tới chấm dứt các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, vì vậy Thủ tướng đề nghị EP quan tâm thúc đẩy xem xét tích cực nỗ lực của Việt Nam để sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), lý do quan trọng khiến EC chưa gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam là việc cấp giấy chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác còn rất nhiều sai sót; công tác kiểm soát số lượng tàu cá ra vào cảng còn nhiều bất cập. Hệ thống giám sát chưa đáp ứng yêu cầu, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển của nước ngoài vẫn còn tiếp diễn rất phức tạp. Mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm của Việt Nam vẫn còn thấp nên chưa tạo được sự răn đe và chưa tương đồng với một số nước trong khu vực và thế giới.

Bộ NN&PTNT xác định, gỡ “thẻ vàng” là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với toàn ngành để giữ vững mục tiêu tăng trưởng thời gian tới, nhưng để khắc phục được “thẻ vàng” thủy sản không đơn giản, trong đó có nhiều khó khăn việc kiểm soát đánh bắt, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều lỗ hổng.

Một trong những hình thức giúp xúc tiến gỡ “thẻ vàng” thủy sản là các tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (Vifish.18). Đây là hướng đi phù hợp, đáp ứng được quy định của Chính phủ và đem lại nhiều lợi ích cho chủ tàu.

Muốn gỡ “thẻ vàng” thủy sản, phải giám sát hành trình tàu cá - 2

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác của Bộ NN&PTNT theo dõi hoạt động đánh bắt của tàu cá trên biển.

Các chuyên gia hàng hải đánh giá, đây là thiết bị sử dụng công nghệ vệ tinh, vùng phủ sóng toàn cầu, tín hiệu truyền từ tàu về bờ ổn định, chính xác, không chịu ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết cực đoan. Cho phép theo dõi trực tuyến vị trí tàu và hành trình tàu cá trong suốt chuyến biển, cảnh báo cho thuyền trưởng khi tàu đi vào vùng cấm đánh bắt hoặc vùng ranh giới cho phép trên biển, xem thông tin thời tiết tại các vị trí bất kỳ hoặc vùng biển nào, gửi báo động cấp cứu về bờ khi tàu gặp sự cố cần trợ giúp từ đất liền, nhắn tin liên lạc hai chiều tàu - bờ.

Hiện nay, Việt Nam có gần 133.000 tàu cá, trong đó khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90 CV trở lên), nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh và tỷ lệ bật định vị 24/24 trên ngư trường rất ít để giấu ngư trường, thiếu định vị khiến kiểm soát vùng đánh bắt cá, kiểm soát vi phạm rất khó.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm