1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mười sự kiện kinh tế tiêu biểu của năm 2005

(Dân trí) - Kinh tế Việt Nam trong năm 2005 đã đánh dấu một bước phát triển đáng kế của nền kinh tế trong bước đường hội nhập. Dưới góc nhìn của chuyên gia Phạm Tiến (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) sau đây là 10 sự kiện kinh tế được đánh giá là tiêu biểu nhất của năm.

1. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Việt Nam khóa XI đã thông qua 3 bộ luật quan trọng là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Đấu thầu. Với những ưu điểm như cởi mở, thuận tiện, minh bạch và đơn giản hơn, giới bình luận hy vọng điều này sẽ tạo bước đột phá lớn làm năng động hóa môi trường kinh doanh của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hướng mọi nguồn lực trong nước và quốc tế vào tiến trình phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Cũng tại kỳ họp lần này, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật chống Tham nhũng, kèm theo đó là việc công bố báo cáo điều tra về tình hình tham nhũng ở các cơ quan công quyền nhà nước của Chính phủ do Ban Nội chính T.Ư cùng với cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Điển phối hợp thực hiện trên diện rộng của 7 tỉnh, thành phố với 3 bộ, ngành suốt từ tháng 3/2005 đến gần đây.

Việc công khai danh sách 10 cơ quan tham nhũng hàng đầu ở Việt Nam đã cho thấy sự kiên quyết của Chính phủ trong việc làm lành mạnh bộ máy nhà nước, góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của nước ta và nâng cao tính hiệu quả của các chính sách và biện pháp phát triển kinh tế - xã hội.

3. Việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cho phép thành lập thí điểm các tập đoàn kinh tế trong các lĩnh vực: Bưu chính - viễn thông, điện, than, dệt may, dầu khí, xi măng và bảo hiểm, đã thực sự mang ý nghĩa quyết định đối với “sức sống” của nền kinh tế trong thời gian tới.

Đây cũng là nỗ lực từ phía Chính phủ trong việc tìm giải pháp để nâng cao sức mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt do tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, việc thành lập các tập đoàn này đến nay còn nhiều bất cập về tính pháp lý, hay việc thiếu các biện pháp kiểm soát cạnh tranh độc quyền, thiếu quy định về đầu tư ra nước ngoài, sự hạn chế về tài chính,...đó là chưa kể việc hợp nhất một loạt công ty trong cùng một ngành hay lĩnh vực kinh doanh chưa chắc đã mang lại hiểu quả kinh tế cao hơn.

4. Năm 2005, lần đầu tiên tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trên 8%, góp phần quan trọng đưa mức tăng trưởng GDP bình quân của giai đoạn 2001 - 2005 đạt trên 7% - hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra. Theo giới quan sát quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng từ 8 - 9% nếu tiếp tục thực hiện các chính sách cởi mở và có những biện pháp thích hợp, linh họat để khơi thông mọi nguồn lực.

5. Lần đầu tiên kể từ năm 1998, thu hút FDI vượt ngưỡng 5 tỷ USD, đây là cột mốc đáng ghi nhận sau hơn 15 năm Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài. Tính chung cả năm 2005, tổng vốn đầu tư nước ngoài của các dự án còn hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã vượt ngưỡng 50 tỷ USD, gấp 5 lần so với cùng thời điểm của năm 1994. Đáng chú ý là chất lượng và quy mô của các dự án mới và tăng vốn trong năm nay đã có chuyển biến tích cực: vốn lớn, kỹ thuật tiên tiến và đăng ký hoạt động trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng. Nó cho thấy mức độ tín nhiệm và sự đánh giá cao của giới đầu tư quốc tế đối với môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện cũng như vị trí địa kinh tế của Việt Nam trong khu vực, trong bối cảnh mà Trung Quốc vẫn đang là một cực thu hút FDI lớn của thế giới.

Điều này đã tác động không nhỏ tới cam kết tài trợ 3,747 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam của Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ quốc tế - mức cao nhất từ trước tới nay, đưa Việt Nam trở thành quốc gia nhận ODA lớn nhất thế giới.

6. Bán được 750 triệu USD ngay ở lần phát hành trái phiếu Chính phủ đầu tiên ra nước ngoài là một thành công ngoài dự kiến và được chính các chuyên gia tài chính của WB đánh giá cao. Trong tương lai đây sẽ là một kênh huy động vốn mới đầy tiềm năng cho nền kinh tế trong bối cảnh nguồn vốn trong nước hiện đang dần đi tới điểm bão hòa.

Bước đi đầu tiên này đã đưa Việt Nam hội nhập với nền tài chính toàn cầu và trở thành một đích ngắm mới cho các nhà đầu tư thế giới mà Hội nghị các nhà đầu tư gián tiếp mới đây (8 – 9/12/2005) được tổ chức ở TPHCM là một minh chứng cho điều đó. Kết quả này có được nhờ triển vọng sáng sủa của nền kinh tế nước ta sau gần 20 năm đổi mới, cũng như những cam kết của Chính phủ đối với việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, cũng có mối quan ngại là liệu việc phát hành trái phiếu có ảnh hưởng đến ngưỡng an toàn của các khoản vay nợ nước ngoài? Hay thành công của đợt phát hành trái phiếu có thể sẽ làm bùng phát “hội chứng” vay nợ nước ngoài trong các công ty Nhà nước?

7. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng 4 bậc từ 112 của năm 2004 lên 108/117 trong năm 2005, đạt giá trị 0,704. Điều này cho thấy những kết quả mà chúng ta đạt được trong phát triển kinh tế đã thật sự mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Đây là thành tựu đáng khích lệ, vì để tăng 1% của chỉ số HDI, một quốc gia phải tăng thu nhập bình quân đầu người lên 18%, tăng tuổi thọ trung bình thêm 1,8 năm, hoặc tăng tỷ lệ nhập học tổng hợp lên 3%; hy vọng đến 2010 chỉ số HDI của nước ta sẽ đạt mức trung bình tiên tiến của thế giới.

Song cũng cần phải nhận thấy rằng, HDI của Việt Nam đang ở trong tình trạng không tốt khi: chỉ số tuổi thọ và chỉ số kinh tế gia tăng liên tục trong giai đoạn 2001 – 2005, nhưng chỉ số giáo dục lại giảm đi bằng 3/5 mức tăng của chỉ số kinh tế.

8. Năm 2005, chỉ số cạnh tranh của Việt Nam tiếp tục giảm 4 bậc, như vậy là chỉ trong có 2 năm năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã giảm 20 bậc. Điều này cho thấy, tuy được các tổ chức kinh tế quốc tế đánh giá cao về về năng lực của chính phủ trong việc điều hành kinh tế vĩ mô, về tỷ lệ tiết kiệm/GDP cao hay sự ổn định chính trị, ... nhưng chúng ta còn yếu kém trong cải cách hành chính công và khả năng tiếp nhận và ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, hệ thống hạ tầng cơ sở còn nhiều bất cập, chất lượng nguồn lao động chưa cao và chưa có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

9. Ngày 2/12/2005, lễ Khởi công công trình thủy điện Sơn La chính thức bắt đầu. Đây là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, có tổng công suất thiết kế là 2400 MW. Dự kiến khi đi vào họat động, tần suất phát điện hàng năm của nhà máy sẽ là 1,2 tỷ Kw/giờ. Ngoài việc cung cấp điện năng, Thủy điện Sơn La còn góp phần điều tiết nguồn nước, mở mang dân trí, tạo công ăn việc làm cho lao động của 3 tỉnh miền núi là Sơn La, Điện Biên, Lao Cai và một số địa bàn khác thuộc vùng Tây Bắc. Đó là chưa kể sẽ mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh Sơn La, dự kiến tới 400 triệu USD/năm.

10. Năm 2005, Hà Nội vượt TPHCM và Bình Dương, lần đầu tiên trở thành địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất nước – ước đạt 1,8 tỷ USD, chiếm 33,6% tổng vốn đăng ký mới và mở rộng của cả nước.

Đáng chú ý là dự án xây dựng bệnh viện lớn và hiện đại nhất Việt Nam tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Dự án đầu tư này do công ty Jukjin Holding (Hàn Quốc) thực hiện trị giá gần 200 triệu USD. Bệnh viện này được xây dựng theo mô hình “bệnh viện – khách sạn”, được trang bị hiện đại, có khả năng tiếp nhận 6000 – 7000 bệnh nhân/ngày.

Đây còn được xem là tín hiệu đáng khích lệ trong việc thu hút vốn FDI của Việt Nam vốn trước chỉ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất thu hút nhiều lao động, thì nay đã xuất hiện các dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ cao cấp. Nó cũng cho thấy chất lượng sống của người dân Thủ đô nói riêng và của cả nước nói chung đang thực sự được nâng lên cùng với sự phát triển của nền kinh tế.

Phạm Tiến
(Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm