1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mừng như… U23 thắng cuộc khi chứng khoán tạm hồi phục

(Dân trí) - Hôm nay (6/2) là một phiên giao dịch đầy cảm xúc của những người quan tâm đến thị trường chứng khoán, bao gồm cả người “chơi” lẫn người quan sát.

"Nín thở" dõi theo thị trường

Có khoảnh khắc lo âu, thất vọng tràn trề khi thị trường lao dốc không phanh lúc mở cửa, lại có những hồi hộp mỗi lúc dòng tiền lớn chảy vào thị trường cho đến nỗi vui sướng không thể đặt tên khi thị trường hồi phục lại và đã kịp bắt đáy thành công giữa lúc hàng trăm mã la liệt “nằm sàn”. Tất nhiên, cũng không khỏi có những người đầy tiếc nuối vì đã vội bán cổ phiếu giữa lúc giá xuống thấp trong phiên.

Vào khoảng 14h15, VN-Index lấy lại 30 điểm. Ngay khi sắc xanh bắt đầu trở lại với một số mã lớn như STB, HPG, có nhà đầu tư cho biết, cả văn phòng đã hò reo với sự phấn khích không khác U23 thắng cuộc.

“Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, ngay sau đó chỉ số bắt đầu “bẻ lái” và quay đầu giảm. Trước phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC), VN-Index mất hơn 50 điểm, VN30 - Index mất gần 45 điểm.

Việc mua hay bán ATC trở thành một phen “cân não” đối với nhà đầu tư. Có nhà đầu tư còn nói vui: “Nguyên ngày hôm nay chẳng dám thở mạnh, mắt chỉ chăm chăm nhìn vào đồ thị, bảng điện mà thôi”.

Diễn biến đau tim của hai chỉ số chính VNIndex, HNXIndex
Diễn biến "đau tim" của hai chỉ số chính VNIndex, HNXIndex

Cuối cùng, nhiều nhà đầu tư cũng đã có thể nhẹ nhõm hơn khi VN-Index kết thúc phiên với mức mất giá 37,11 điểm tương ứng 3,54%, đóng cửa trên ngưỡng 1.000 điểm, đạt 1.011,6 điểm. HNX-Index giảm 3,31 điểm tương ứng 2,78% còn 115,64 điểm. Dù biên độ giảm vẫn rất lớn nhưng dù sao cũng đã rút ngắn so với hầu hết thời gian giao dịch trước đó trong phiên.

Trong khi BID, GAS, PVD, PLX, VJC, VRE vẫn “nằm sàn”, VNM giảm mạnh 5.200 đồng thì nhiều mã lớn đã hồi phục mạnh. MSN tăng 1.300 đồng, HPG tăng 1.000 đồng, STB tăng 250 đồng và NVL tăng 200 đồng.

Có thể nói, dòng tiền lớn đã hỗ trợ đáng kể thị trường phiên hôm nay. Với 480,7 triệu cổ phiếu giao dịch, đã có tới 15.170,5 tỷ đồng đổ vào mua cổ phiếu giá rẻ trên HSX và HNX cũng có 126,9 triệu cổ phiếu thu hút dòng tiền 1.780,2 tỷ đồng.

Toàn thị trường ghi nhận có 117 mã giảm sàn, 325 mã giảm giá và có 77 mã tăng, 16 mã tăng trần.

"Giá giảm là cơ hội"

Là một người có uy tín trong thị trường, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã lý giải, thị trường giảm không chỉ do ảnh hưởng việc giảm điểm của thị trường thế giới. Còn những nguyên nhân như việc thị trường Việt Nam thời gian qua tăng điểm mạnh, giá các cổ phiếu “Big Cap” (cổ phiếu có vốn hoá lớn) lên nhanh hơn so với hiệu quả kinh doanh; hàng loạt các công ty lớn, nhà nước thoái vốn.

Hay việc nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia đấu giá sắp đến ngày nộp tiền và sắp nghỉ tết mọi người muốn thoát danh mục để giảm chi phí margin... cũng là những yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường.

Theo ông Hưng, việc giảm giá đã làm nhà đầu tư thiệt hại đáng kể và nhiều người suy nghĩ lo ngại khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên, với góc độ là người trong cuộc, Chủ tịch SSI cho hay: “Quan điểm cá nhân của tôi là không lo ngại và trong một chừng mực nào đó, đợt giảm giá cũng có tác động tích cực, giúp nhà đầu tư thận trọng tỉnh táo hơn khi tham gia thị trường. Qua đấy thị trường sẽ sớm ổn định trở lại và tăng trưởng có chọn lọc phù hợp với tăng trưởng bền vững của nền kinh tế”.

“Thị trường tăng nhanh khi xuất hiện yếu tố ảnh hưởng sẽ xảy ra điều chỉnh sốc là điều không tránh khỏi, tuy nhiên giá giảm là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn cho mình những cổ phiếu có nền tảng tốt, tránh đầu tư theo phong trào” - ông Hưng khuyến nghị. Bởi theo ông, nền kinh tế của chúng ta đang tăng trưởng mạnh và bền vững thì chắc chắn không thể xảy ra khủng hoảng nội tại vào thời điểm này, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018 là năm phát triển tốt!.

Bích Diệp

Mừng như… U23 thắng cuộc khi chứng khoán tạm hồi phục - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm